Mẹ tôi là một công chức cần mẫn, mẹ đã bao giờ ốm đau gì mà phải đi bệnh viện đâu, chỉ thi thoảng bị đau bụng, cứ nghĩ đó là đau dạ dày thông thường, lấy thuốc uống mấy ngày thì khỏi. Nhưng trong một lần đi khám sức khỏe gần nhất, bác sĩ đã chẩn đoán mẹ bị ung thư dạ dày. Nghe tin như tiến sét ngang tai, mẹ ngã gục hoàn toàn, sức khỏe giảm sút rõ rệt.
Tôi nhớ lúc đó đã gần Tết, bác sĩ khuyên nên phải mổ gấp để có thể điều trị hóa chất, mong có thể giữ mẹ sống dài hơn. Sáng 27 Tết, khi mọi người đang tấp nập đi sắm Tết ngoài kia thì chúng tôi chào tạm biệt mẹ để đưa mẹ vào phòng phẫu thuật.
Bình thường mỗi ca phẫu thuật dạ dày chỉ khoảng gần một tiếng là bệnh nhân đã được đưa ra khỏi phòng mổ, tuy nhiên mẹ tôi đưa vào từ lúc 7 giờ sáng, chờ sau một tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy đưa ra, thời gian lúc này quả là nặng nề. Trước khi mổ, bác sĩ còn phát hiện một khối u trong gan nữa nên nghi ngờ rằng ung thư đã di căn lên gan, nhưng chưa xác định rõ ràng, bảo khi mổ sẽ kiểm tra và sẽ quyết định xử lý luôn. Chính vì vậy, mà tôi rất lo lắng khi thời gian phẫu thuật lâu hơn bình thường.
Càng đợi thì niềm hy vọng mẹ chỉ bị ung thư dạ dày càng mất đi, di căn hay giai đoạn cuối đó là những suy nghĩ không mong muốn nhưng tình hình thực tế không khỏi làm tôi đau khổ. Đến 10 giờ vẫn chưa có tin tức về mẹ trong phòng phẫu thuật, tôi gần như tuyệt vọng. Hơn 11 giờ thì cửa phòng phẫu thuật mới hé mở, tôi chạy ùa lại hỏi bác sĩ mới biết là bác sĩ đã phẫu thuật xong, kết quả là ngoài ba phần tư dạ dày đã cắt bỏ thì kíp mổ đã phải hội chẩn và quyết định cắt luôn miếng gan có khối u! Mặc dù ca mổ đã thành công, nhưng với sức khỏe yếu của mẹ tôi và căn bệnh ung thư di căn cũng rất ít hy vọng. Sau phẫu thuật, mẹ được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Lại phải chờ đợi, một ngày đi qua, rồi lại một ngày nữa cũng chưa được gặp mẹ. Sang ngày thứ ba, đúng ngày 30 Tết thì mẹ tôi mới được đẩy ra để gia đình đưa về khoa tiết tục điều trị. Vui mừng khôn xiết vì mẹ có thể đã qua cơn nguy kịch. Tôi chạy quáng quàng ra phố ngoài bệnh viện mua mấy thứ để vào bệnh viện ăn Tết khi chăm sóc mẹ.
Chỉ có những người đã phải ăn Tết ở trong bệnh viện thì mới thấu hiểu được những thiệt thòi. Ngoài những đau khổ về mặt thể xác do bệnh tật thì về mặt tinh thần cũng không vui như ăn Tết ở nhà. Cái Tết trong bệnh viện tuy không vui và đầy đủ, nhưng có một đặc biệt mà tôi nhớ mãi đó là có rất nhiều “đặc sản” Tết từ nhiều địa phương mang đến. Chúng tôi, đặc biệt là những người đi chăm sóc người nhà cũng nâng cốc chúc tụng năm mới vào lúc giao thừa, bao giờ cũng không quên câu “Mau lành bệnh để có thể xuất viện về nhà” của những người đồng cảnh ngộ.
Sau khi mẹ xuất viện về nhà thì sức khỏe dần bình phục, đi tái khám mấy lần thì không thấy tế bào ung thư nữa, tôi vô cùng vui mừng vì mẹ đã thực sự được cứu sống.
Nhưng số phận cũng thật oan nghiệt khi gần một năm sau đó, mẹ tôi lại bị dính ruột mà không biết, lúc lên đến bệnh viện tỉnh thì đã hoại tử, buộc bác sĩ phải cấp cứu và tiếp tục phẫu thuật cắt chỉ còn lại 25 cm ruột! Lần này thì sức khỏe của mẹ tôi xuống trầm trọng, mẹ nằm thiêm thiếp trong bệnh viện phải truyền thuốc gần hai tháng trời! Lại một cái Tết nữa đến gần, sức khỏe mẹ tôi có khá lên nhưng còn rất yếu. Tôi rất mong mẹ có thể khỏe hơn để bác sĩ cho xuất viện về nhà ăn Tết nhưng lại một cái Tết nữa, tôi ăn Tết trong bệnh viện với mẹ.
Do trải qua nhiều lần đại phẫu thuật và không còn dạ dày và ruột nên mẹ tôi đã ra đi sáu tháng sau đó. Tết năm nay, tôi sẽ ăn Tết khi không còn mẹ ở bên. Quê tôi có một phong tục là trong nhà có người chết trong năm thì Tết đó sẽ không đến chúc Tết nhà ai tránh đen đủi. Tết này tôi sẽ ở nhà để lo việc thờ cúng mẹ thật chu tất, mong rằng ở trên trời mẹ có thể về ăn Tết với tôi.
Đỗ Minh Thuyết
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |