Cha mẹ tôi vì công việc làm ăn nên nay đây mai đó, không có chỗ ở nhất định. Bà ngoại đón tôi về nuôi từ hồi còn bé xíu. Tuổi thơ của tôi nhờ vậy được sống trong vòng tay yêu thương của bà và các cậu dì.
Những ngày cận Tết, thật náo nức khi thấy bà chuẩn bị làm bánh mứt. Hai hàng nhà tàu được cậu út cắt xén cẩn thận vuông góc, là nơi để bà phơi mứt. Nào là mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao... Bánh đậu xanh được in trong khuôn, bọc ngoài bằng giấy màu xanh, đỏ, vàng trong suốt, bánh xu xê có nắp đậy hộc vuông góc xếp bằng lá dừa. Tất cả món nào cũng hấp dẫn đối với trẻ thơ.
Sau khi bà ngoại làm đủ các thứ bánh mứt. Bánh tét là món cuối cùng được bắc lên nồi nấu vào chiều 29 Tết. Lá chuối gói bánh đã có sẵn trong vườn, bà đem vào rửa sạch rồi đốt lửa lên hơ hong cho lá mềm dễ gói bánh. Củi đun đã được chuẩn bị có khi là từ nhiều năm trước, là những gốc tre khô hoặc những nhánh cây gãy ở trong vườn. Tôi thích được bà sai đi mót củi về nhóm bếp hoặc đùn củi vào bếp mỗi khi lửa đã bớt nỏ. Ít nhất, tôi nhận ra mình cũng phụ được việc nhỏ có ích cho bà ngoại.
Sáng mùng một Tết được mặc áo và đi dép mới. Trước tiên là bọn cháu chắt chúng tôi đứng xếp hàng mừng tuổi người lớn, xong sẽ nhận được tiền lì xì của bà ngoại và các cậu dì, những đồng tiền mới tinh còn thơm mùi giấy mới.
Ra đường đầu năm, tôi nhập bọn với bọn con nít cùng xóm. Nghe pháo nổ nơi nào là chạy ùa đến để tranh nhau lượm mấy trái pháo bị điếc không nổ. Chỉ là mấy trái pháo nhỏ thôi mà đứa nào cũng coi như báu vật, cất kỹ trong túi lâu lâu lại lôi ra ngắm nghía...
Xuống Nam Phổ để mừng tuổi ông bà cố, anh em chúng tôi đi tắt theo con đường làng đất sỏi cập theo bìa sông. Hai hàng nhãn lồng già hai bên chìa tán rộng đan kín, mát rượi cả con đường. Đi ngang đình làng có đám hát bộ đang diễn, cả bọn chen vào thật gần để nhìn cho rõ mặt ông Quan Công mặt đỏ, ông Trương Phi râu ria.
Tiếng pháo đì đùng nổ khắp nơi, tiếng trống múa lân thúc giục lúc xa lúc gần. Nô nức hòa chung với bạn bè, tung tăng đi khắp xóm làng, tôi vô tư nào hay đó là những ngày Tết cuối cùng của tôi ở bên bà ngoại.
Hết Tết, mẹ tôi từ trong Nam ra đón tôi vào để ở với gia đình.
Từ đó về sau, không còn Tết nào đối với tôi đáng luyến tiếc và đáng nhớ nhiều như những cái Tết bên bà ngoại nữa. Cha mẹ tôi dời chỗ ở liên miên, nên tôi thường xuyên phải đón Tết nơi căn nhà thuê lụp xụp, trong những ngõ hẽm chật chội tù túng. Mùa xuân ở đất khách vì vậy mà bớt đi ý nghĩa hơn mùa xuân ở quê hương.
Hằng năm, mỗi lần đón xuân về, tôi không thể nào không nhớ những mùa xuân ấu thơ. Thắp dâng lên bà ngoại một nén nhang, tôi thầm khấn với bà "Bà ngoại ơi! Tết năm nay con lại không về với bà ngoại được nữa rồi!".
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Huỳnh Thị Thước