Ngày 15/9, các thành viên thuộc Nghiệp đoàn công nhân ôtô Mỹ (UAW) bắt đầu đình công tại các nhà máy của 3 hãng xe là General Motors, Ford Motor và Stellantis.
Dưới sức ép của các công đoàn, ba hãng trên được dự báo sẽ phải tăng lương cho người lao động. Câu hỏi hiện tại là mức tăng lớn đến đâu. Hiện tại, các đề xuất của họ vẫn chưa khiến công đoàn hài lòng.
Việc tăng lương tại các công ty này sẽ giúp Tesla càng có lợi thế về giá vì họ đứng ngoài "làn sóng" tăng lương này.
Chi phí lao động (bao gồm cả lương và quyền lợi) của các công ty tại Detroit (trung tâm sản xuất xe hơi tại Mỹ) ước tính trung bình là 66 USD một giờ. Con số này tại Tesla là 45 USD. Ngân hàng Wells Fargo ước tính nếu đáp ứng tất cả điều kiện của Fain, các hãng xe Mỹ sẽ phải tăng chi phí lao động lên 136 USD một giờ.
Quyền lợi của công nhân Tesla và công nhân tham gia UAW có sự khác biệt cơ bản. Thành viên UAW được công ty chia thưởng theo lợi nhuận. Trong khi công nhân Tesla được quyền chọn cổ phiếu. Vài năm qua, cổ phiếu Tesla tăng chóng mặt, dù cũng có nhiều thời điểm biến động. Năm nay, mã này đã tăng giá hơn gấp đôi.
Fain cho rằng các hợp đồng lao động cũ không theo kịp lạm phát, khiến các thành viên của họ thiệt thòi. Sự hy sinh của họ đã giúp các hãng xe có lợi nhuận vài năm gần đây. Ford sau đó trả lời rằng các yêu cầu của UAW "cao gấp đôi" chi phí nhân công hiện tại của hãng. Chi phí lao động của họ hiện cũng lớn hơn Tesla, Toyota và nhiều hãng xe nước ngoài khác tại Mỹ.
Đến nay, nhiều nhà phân tích cho rằng các hãng xe Mỹ sẽ phải chấp nhận tăng chi phí. "Vấn đề lớn hơn là nó sẽ càng tăng sức ép cho quá trình chuyển dịch sang xe điện vốn đang rất gian nan với họ", Dan Levy - nhà phân tích tại Barclays cảnh báo nhà đầu tư.
Tuần trước, khi được hỏi về lợi thế chi phí tại Tesla, Fain cũng tỏ ra giận dữ. "Tôi không quan tâm Elon Musk chế tạo bao nhiêu tàu vũ trụ để ra ngoài không gian hay những thứ tương tự. Tôi chỉ quan tâm tầng lớp lao động cần được chia miếng bánh kinh tế công bằng hơn", ông nói.
Nhiều năm qua, các hãng xe Mỹ vẫn phàn nàn rằng các đối thủ châu Á, không chịu ràng buộc từ UAW, hưởng lợi nhờ chi phí nhân công rẻ. Họ cho rằng điều này giúp các hãng xe trên giảm được giá xe và hấp dẫn người mua.
UAW cũng từng cố thành lập công đoàn tại Tesla. Việc này diễn ra khi công nhân hãng xe này đình công năm 2017 và 2018, trong bối cảnh hãng chỉ có một nhà máy tại San Francisco và vật lộn với việc sản xuất Model 3. Tuy nhiên, các nỗ lực này vẫn chưa thành công.
Musk cũng khẳng định chính sách quyền chọn cổ phiếu giúp công nhân Tesla có đãi ngộ cao nhất ngành. Ông nói rằng nhiều công nhân "trở thành triệu phú nhờ cổ phiếu thưởng".
Tại Tesla, lương giờ trung bình của một kỹ thuật viên tại nhà máy là 23-32 USD, theo website tư vấn tuyển dụng Glassdoor. Tesla quảng cáo công việc tại nhà máy ở California trả 24-67 USD một giờ, cộng với thưởng tiền, thưởng cổ phiếu và các quyền lợi khác.
"Chúng tôi khuyến khích việc nghe nhạc và làm điều gì đó vui nhộn. Điều quan trọng là phải khiến người lao động muốn đi làm. Chúng tôi trả lương cao hơn UAW, hiệu suất lao động cũng cao hơn nữa", Musk cho biết trong một bài đăng gần đây trên X.
Các hãng xe lâu đời tại Mỹ cũng đang vừa phải tìm cách tái cấu trúc chi phí, vừa phải tham gia cuộc chuyển đổi đắt đỏ từ xe xăng sang xe điện.
Hồi tháng 3, Musk công bố kế hoạch tạo lợi thế bằng cách giảm 50% chi phí sản xuất các mẫu xe tiếp theo. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi công nghệ tiên tiến và nhiều thay đổi khác.
Các động thái của CEO Tesla trong năm nay cũng cho thấy hãng này có thể tận dụng lợi thế về chi phí để tham gia cuộc chiến giá trên toàn cầu như thế nào. Tháng 7, Tesla công bố lợi nhuận quý II tăng 20%, dù đã giảm giá xe từ đầu năm. Trong khi đó, với khoản lỗ lớn từ xe điện, Ford lại tuyên bố sẽ giảm tốc tăng trưởng mảng này.
4 năm qua, các hãng xe Mỹ đã tăng lương cho người lao động, cao nhất là 20%. Tuy nhiên, Chủ tịch UAW Shawn Fain muốn tăng hơn 30%, đã giảm so với yêu cầu ban đầu là ít nhất 40%. Công đoàn này hiện đại diện cho 146.000 công nhân ngành ôtô tại Mỹ.
Hà Thu (theo WSJ)