Terry Eagleton -
(tiếp theo phần 2)
Nó là một vị trí không thể bị tấn công, và thực tế cũng hoàn toàn trống rỗng là cái giá ai đó phải trả vì điều này. Quan điểm cho rằng khía cạnh lớn nhất của bất cứ ngôn đoạn nào là nó không biết nói gì về sự mệt mỏi khi không thể khám phá sự thật, không liên quan gì đến sự tỉnh ngộ mang tính lịch sử hậu - 1968. Nhưng nó cũng tránh cho bạn phải tiếp tục giữ vai trò trong những vấn đề quan trọng, bởi vì điều bạn nói về những vấn đề ấy sẽ chỉ là sản phẩm tình cờ của biểu đạt cho nên không có gì là "chính xác" hay "nghiêm túc" cả. Một lợi thế nữa của quan điểm này là nó cấp tiến đối với ý kiến của bất kỳ ai, nó có thể vạch rõ mặt thật của những bản tuyên ngôn trang trọng nhất chỉ đơn thuần là trò chơi rối bời của các ký hiệu, trong khi nó hoàn toàn bảo thủ về các phương diện khác. Vì nó cũng chẳng bắt bạn phải cam kết điều gì nên nó cũng chỉ có hại cỡ như súng không có đạn mà thôi.
Trong thế giới Anh - Mỹ, giải cơ cấu nói chung đã có xu hướng đi theo con đường này. Về cái gọi là trường phái Yale của giải cơ cấu, J. Hillis Miller, Geoffrey Hartman và trong một chừng mực nào đấy cả Harold Bloom - phê bình của Paul de Man tập trung chủ yếu vào việc diễn giải rằng ngôn ngữ văn học liên tục phá hoại ý nghĩa của chính nó. Sự thực, Paul de Man trong thực nghiệm của mình không gì hơn là một cách làm mới trong việc xác định "bản chất" của chính văn học. Paul de Man cho rằng tất cả các ngôn ngữ đều ẩn ý một cách cố hữu, hoạt động bởi những phép chuyển nghĩa và những minh họa; một điều rất sai lầm khi cho rằng bất cứ ngôn ngữ nào theo nghĩa đen cũng đúng là nghĩa đen. Triết học, luật pháp, học thuyết chính trị cũng hoạt động với phép ẩn ý như chính thơ ca, và chính vì thế cho nên cũng giả tưởng như thế. Vì các phép ẩn ý về cơ bản là "vô căn cứ", vì có những sự thay thế thuần khiết của cặp ký hiệu này cho cặp ký hiệu kia nên ngôn ngữ có xu hướng phản bội lại bản chất giả tưởng và độc đoán, thất thường của chính mình tại những thời điểm nó đang muốn thể hiện mình là thuyết phục nhất. Sự trừu tượng nổi lên rõ nét nhất ở lĩnh vực văn học. Trong lĩnh vực này, độc giả thường rơi vào trạng thái lưỡng lự giữa "nghĩa đen" và nghĩa bóng, không biết lựa chọn nghĩa nào, do đó hoa mắt và rơi vào một vực thẳm khôn cùng của ngôn ngữ chỉ bởi một văn bản đã trở thành "không đọc được". Tuy nhiên, những tác phẩm văn học về cơ bản ít đánh lừa độc giả hơn những dạng diễn ngôn khác, bởi vì chúng ngấm ngầm nhận thức được vị thế tu từ học của chính mình, nhận thức được một thực tế rằng điều chúng nói khác hẳn với việc chúng làm và những đòi hỏi của chúng về kiến thức đều thông qua các cấu trúc giả tưởng vốn làm chúng trở nên mơ hồ và không xác định được. Người ta có thể nói chúng rất đáng mỉa mai về bản chất. Những dạng viết khác cũng mang tính hình tượng và mơ hồ, nhưng lại tự coi mình là chân lý hiển nhiên. Đối với Paul de Man cũng như đối với đồng nghiệp Hillis Miller của ông, văn học không cần thiết phải vận đến nhà phê bình để giải cơ cấu: nó có thể tự giải cơ cấu, và hơn nữa đây chính là vấn đề của cuộc phân tích, mổ xẻ này.
Những sự mơ hồ văn bản của các nhà phê bình Yale khác với những sự mâu thuẫn trong tư tưởng thơ ca của Phê bình mới (New Criticism). Đọc không phải là vấn đề hỗn hợp lại hai ý nghĩa xác định, hoàn toàn khác nhau như theo Phê bình mới mà là vấn đề của việc bị nắm bắt trên bước nhảy giữa hai ý nghĩa không thể điều hòa cũng như không thể chối từ. Do đó, phê bình văn học đã trở thành một công việc mỉa mai và không dễ dàng gì, một sự đầu tư không quyết đoán vào chỗ trống bên trong của văn bản vốn thể hiện một cách trần trụi sự ảo tưởng của ý nghĩa, điều không có thể của sự thật và mưu mẹo dối trá của tất cả diễn ngôn. Tuy nhiên, về phương diện khác, việc giải cơ cấu theo kiểu Anh - Mỹ này không gì hơn là sự trở lại của Phê bình hình thức mới (New Criticism Formalism) cũ kỹ. Thực tế, nó quay trở lại dưới dạng được tăng cường. Văn học là sự gãy nát của tất cả sự quy chiếu, là nghĩa trang của sự giao thiệp. Phê bình mới nhìn nhận văn bản văn học như sự trì hoãn thần thánh của niềm tin lý thuyết vào một thế giới tư tưởng càng ngày càng gia tăng. Giải cơ cấu luận nhìn nhận thực tế xã hội như những mạng nhện của sự lưỡng lự được chiếu sáng lờ mờ đang dàn trải tới chân trời hơn là có tính quyết đoán một cách bắt buộc. Với Phê bình mới, văn học không phải là chủ đề đưa ra một sự thay thế cho lịch sử tư liệu: ngày nay nó vươn tới, chiếm giữ làm thuộc địa và viết lại lịch sử theo ý niệm của chính mình, nhìn nhận những phong trào phụ nữ, các cuộc cách mạng, những trận bóng đá và bánh kem có rượu seri của Tây Ban Nha như một "văn bản" không thể quyết định được. Vì những người đàn ông và đàn bà khôn ngoan không có xu hướng hành động trong những bối cảnh không có ý nghĩa rõ ràng nên quan điểm này chính là sự ám chỉ lối sống của xã hội và đời sống chính trị. Và cũng vì văn học là một hệ hình (paradigm) được đặc quyền của tất cả tính không xác định như thế nên sự ẩn thân của Phê bình mới vào văn bản văn học có thể được tái diễn lại cùng lúc khi phê bình chìa bàn tay báo thù tới thế giới và làm cho nó trống rỗng về ý nghĩa. Trong khi đối với những thuyết văn hóa trước đó thì kinh nghiệm là có tính thoái thác, chóng phai mờ, rất mơ hồ, còn ngày nay người ta lại cho là ngôn ngữ có những đặc tính đó. Các thuật ngữ đã thay đổi; còn phần lớn quan điểm nhìn nhận thế giới thì hầu như không thay đổi.
Với Bakhtin, đây không phải vấn đề ngôn ngữ như là "diễn ngôn"; tác phẩm của Jacques Derrida thì hoàn toàn thờ ơ với những mối quan tâm như thế. Điều này phần lớn là do sự ám ảnh của học thuyết về "tính không thể quyết định". Ý nghĩa có thể hoàn toàn không bao giờ có thể quyết định được nếu ta quan sát ngôn ngữ một cách kỹ lưỡng như một chuỗi những cái biểu đạt trên trang giấy; nó trở thành "có thể quyết định" và những từ như "sự thật", "thực tiễn", " kiến thức", "chắc chắn" được hoàn lại một phần nào đó sự sinh động của nó, khi ta quan niệm về ngôn ngữ như sự đan xen một cách không hòa hợp với những dạng thực tiễn khác của cuộc sống chúng ta. Đương nhiên điều này không có nghĩa là ngôn ngữ sau đó sẽ trở nên cố định và rõ ràng, ngược lại, nó trở nên mâu thuẫn hơn phần lớn các văn bản văn học đã "được giải cơ cấu". Điều này chỉ có nghĩa rằng theo cách nhìn thực tế chứ không phải lý thuyết chúng ta có thể thấy được sau đó điều gì sẽ được coi là xác định, quyết định, thuyết phục, chắc chắn, đúng đắn, giả dối và những gì còn lại, và hơn nữa, còn thấy được điều gì ngoài ngôn ngữ can dự vào những định nghĩa như thế này. Giải cơ cấu luận của trường phái Anh - Mỹ phần lớn lờ đi phạm vi thực tế này của cuộc đấu tranh và tiếp tục khuấy lên những văn bản phê bình đã đóng lại của nó. Những văn bản thế này chính xác là đã đóng lại bởi vì chúng rỗng tuếch, không có gì đáng nói về chúng ngoài việc ngưỡng mộ sự tàn nhẫn làm cho ý nghĩa tích cực của văn bản bị biến mất. Sự biến mất này là một nhu cầu trong trò chơi của giải cơ cấu luận, vì bạn có thể thấy rằng nếu bạn phê bình một văn bản của ai đó là có một chút ít ý nghĩa "chính diện" trong những nếp gấp của nó thì đến lượt cũng sẽ có người khác tới và giải cơ cấu bạn. Sự giải cơ cấu này là một trò chơi sức mạnh, một hình phản chiếu của sự cạnh tranh hàn lâm chính thống. Chỉ đến bây giờ, trong vòng xoắn của tôn giáo đối với hệ tư tưởng cũ, thắng lợi đạt được là do từ bỏ thần thánh hay tự làm trống rỗng: người thắng cuộc là người có thể thoát khỏi những con bài này và ngồi điềm đạm với đôi bàn tay không.
Nếu giải cơ cấu luận của trường phái Anh - Mỹ dường như báo hiệu giai đoạn gần đây nhất của chủ nghĩa hoài nghi tự do trong lịch sử hiện đại của cả hai xã hội nói trên thì vấn đề này ở châu Âu có phần nào phức tạp hơn. Khi những năm 1960 nhường đường cho những năm 1970, khi những hồi tưởng hội hè của những năm 1968 đã phai nhạt và chủ nghĩa tư bản thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, một số nhà hậu cấu trúc Pháp bắt đầu tiến hành kết giao với tạp chí văn học tiên phong Tel Quel, họ chuyển từ chủ nghĩa Mao hiếu chiến sang chủ nghĩa chống cộng sản. Hậu cấu trúc luận vào những năm 1970 tại nước Pháp với tấm lòng tốt đã có thể ca ngợi những tiếng tôn xưng của Hồi giáo đối với giáo sĩ của người Iran, tán dương nước Mỹ như một ốc đảo tự do và đầy lộc thánh duy nhất còn lại trên thế giới, và cho những hình thái khác nhau của thuyết huyền bí là một giải pháp cho những điều bất hạnh của con người. Nếu như Saussure có thể thấy trước được điều mà ông gây ra thì chắc hẳn ông đã có thể bị rơi vào sở hữu cách trong tiếng Sanskrit.
Tuy nhiên, giống như tất cả các câu chuyện, câu chuyện về hậu cấu trúc luận cũng có khía cạnh khác. Nếu như các nhà giải cơ cấu Mỹ cho rằng văn bản của họ trung thành với tinh thần của Jacques Derrida, thì một trong những người không cho là thế chính là Jacques Derrida. Derrida quan sát thấy, việc sử dụng giải cơ cấu luận của người Mỹ chính là để đảm bảo "sự kết thúc thể chế", phục vụ cho quyền lợi kinh tế và chính trị quan trọng nhất của xã hội Mỹ. Derrida rõ ràng đã làm nhiều hơn việc đưa ra những kỹ thuật đọc đơn thuần: đối với ông, giải cơ cấu luận là một thông lệ chính trị chủ yếu, một nỗ lực nhằm triệt tiêu luận lý học giúp cho một hệ tư tưởng nhất định mà đằng sau là cả một hệ thống những cấu trúc chính trị và những thể chế xã hội duy trì sức mạnh của nó. Một điều không hợp lý ở đây là ông không tìm cách phủ định sự tồn tại của những chân lý, ý nghĩa, đặc tính, dự định, sự tiếp nối lịch sử tương đối hiển nhiên mà lại xem xét những vấn đề khác như những ảnh hưởng rộng hơn, sâu hơn của lịch sử, ngôn ngữ, của những thông lệ và thể chế xã hội. Việc tác phẩm của ông hoàn toàn không mang tính lịch sử, thoái thác chính trị là không thể phủ nhận: không có sự đối kháng nhị phân rõ ràng được đưa ra giữa một Derrida "xác thực" và những sự lạm dụng của những người theo ông. Nhưng, ý kiến phổ biến cho rằng giải cơ cấu phủ nhận sự tồn tại của mọi thứ ngoài diễn ngôn hay khẳng định lĩnh vực của sự khác biệt thuần túy trong đó tất cả ý nghĩa và đặc tính (identity) cùng biến mất là sự diễu nhại chính công việc của Derrida và phần lớn công việc theo sau nó.
Nó cũng sẽ không bác bỏ chủ nghĩa hậu cấu trúc như một chủ nghĩa vô chính phủ đơn thuần hay chủ nghĩa khoái lạc mặc dù bằng chứng là đã có những động cơ trước đó. Hậu cấu trúc luận đã đúng khi quở trách sự thất bại của quan điểm chính trị Cánh tả chính thống vào thời điểm đó. Lý do là vào những năm 1960 và đầu những năm 1970, những hình thái chính trị mới đã nổi lên mà trước đó trường phái Cánh tả truyền thống đã bị mê hoặc và hoàn toàn không quyết đoán. Sự phản hồi ngay lập tức của nó có mục đích hoặc làm giảm giá trị của những hình thái chính trị mới hoặc cố gắng gộp chúng vào như những phần phụ của cương lĩnh mình. Nhưng có phong trào nữ quyền nổi lên ở Mỹ và châu Âu là không hề phản hồi lại bất cứ sách lược nào. Phong trào nữ quyền này đã phản đối sự tập trung về kinh tế hạn hẹp của phần lớn tư tưởng Marxist cổ điển, một sự tập trung rõ ràng không giải thích những điều kiện cụ thể của những người phụ nữ như một nhóm xã hội bị áp bức, hay không thể đóng góp nhiều cho sự thay đổi điều kiện sống của họ. Bởi vì, mặc dù việc áp bức phụ nữ ở đây chỉ là vấn đề về vật chất, chức năng làm mẹ, việc nhà, phân biệt đối xử trong nghề nghiệp và không công bằng lương bổng, mà nó vẫn không thể phá bỏ được. Đây cũng là vấn đề của hệ tư tưởng giới tính, của cách người đàn ông và người đàn bà tự phản ảnh mình và phản ảnh lẫn nhau trong một xã hội phụ hệ, của những nhận thức và hành vi từ thẳng thắn một cách tàn nhẫn đến hoàn toàn vô thức. Bất cứ quan điểm chính trị nào nếu không đặt những vấn đề như thế vào trung tâm điểm cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế thì coi như đang gửi mình cho đống rác của lịch sử. Vì những vai trò giới tính và thành kiến giới tính là những câu hỏi trong những khía cạnh sâu xa nhất của đời sống con người, nên bất cứ quan điểm chính trị nào nhắm mắt làm ngơ trước điều này thì đều là què quặt ngay từ đầu. Sự chuyển dịch từ cấu trúc luận sang hậu cấu trúc luận một phần nào đó là sự phản hồi đối với những nhu cầu chính trị này. Tuy nhiên, sẽ không đúng khi nói rằng phong trào phụ nữ có độc quyền về "kinh nghiệm". Chủ nghĩa xã hội là gì nếu không phải là những niềm hy vọng và mong ước cay đắng của hàng triệu triệu những người đàn ông và đàn bà qua nhiều thế hệ, những người đã sống và đã chết vì một lý tưởng lớn lao hơn rất nhiều "học thuyết của sự tổng thể" hay "tính ưu việt của kinh tế? Và nó cũng không thích hợp trong việc xác định phong trào mang tính cá nhân hay chính trị. Cuộc đấu tranh chính trị không thể bị giảm xuống thành cuộc đấu tranh cá nhân hay ngược lại. Phong trào phụ nữ đã đúng khi từ chối những hình thái tổ chức cứng nhắc nhất định và những học thuyết chính trị "quá tổng thể". Nhưng bằng cách đó, nó thường làm tăng thêm tính cá nhân, tính tự phát, tính thử nghiệm của phong trào này như chính những yếu tố này cung cấp một chiến lược chính trị hợp lý. Phong trào phụ nữ đã bác bỏ "lý thuyết" theo cách hầu như khác hẳn với cách chống lại thuyết chủ trí cũ kỹ, và trong một số lĩnh vực, nó dường như hờ hững với những đau khổ của tất cả mọi người, trừ phụ nữ và hờ hững với vấn đề về giải pháp chính trị, giống như những người theo chủ nghĩa Marx thờ ơ với sự áp bức đối với bất cứ giai cấp nào ngoại trừ giai cấp công nhân.
Ngoài ra còn có rất nhiều những mối quan hệ khác giữa thuyết bình quyền và thuyết hậu cấu trúc. Bởi vì, trong số tất cả những sự đối kháng nhị phân mà hậu cấu trúc luận đã tìm cách để xoá bỏ đi thì có lẽ sự đối kháng về thứ bậc giữa những người đàn ông và đàn bà là lớn lao và khó khăn nhất. Sự đối kháng này có lẽ sẽ là lâu dài nhất vì không có thời điểm nào trong lịch sử mà một nửa tốt đẹp của loài người kia lại không bị đày đọa, lệ thuộc như một thứ khiếm khuyết, thấp kém ngoại lai. Tất nhiên, yếu tố gây sửng sốt này sẽ không thể diễn tả một cách chính xác với việc sử dụng kỹ xảo của học thuyết mới được, nhưng điều này cũng có thể thực hiện được nếu ta nhận biết được hệ tư tưởng của sự đối lập này có ảo giác trừu tượng như thế nào, mặc dù nếu nói về mặt lịch sử, mâu thuẫn giữa phụ nữ và nam giới đã không thể không xảy ra. Nếu mâu thuẫn này được duy trì bởi những lợi ích về mặt vật chất và tâm linh, thì nó cũng được duy trì bởi cơ cấu phức tạp của nỗi sợ hãi, niềm khát khao, sự gây hấn, sự thông dâm và nỗi lo lắng đang cấp bách cần được xem xét.
Thuyết bình quyền không phải là một vấn đề cô lập, một "chiến dịch" cụ thể song song với những dự án chính trị khác, mà là một khía cạnh đã tố cáo và chất vấn từng khía cạnh của đời sống cá nhân, xã hội và chính trị. Như một số người bên ngoài nhận xét, bức thông điệp của phong trào phụ nữ không chỉ đơn thuần là phụ nữ phải có quyền bình đẳng với nam giới về quyền lực và địa vị, mà sự là đòi hỏi quyền lực và địa vị đó. Trong lịch sử con người, thế giới không phải là sẽ tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn vì có sự tham gia của đông đảo đàn ông, mà vấn đề là ở chỗ thế giới đơn giản sẽ không thể tồn tại nếu như không có đàn bà.
Với thuyết hậu cấu trúc, chúng ta đã mang câu chuyện của lý thuyết văn học hiện đại để xem xét trong thời hiện tại. Trong toàn bộ hậu cấu trúc luận đang tồn tại những mâu thuẫn và sự khác biệt thật sự mà lịch sử tương lai cũng không thể dự đoán được. Có những hình thái hậu cấu trúc luận thể hiện sự rút lui khỏi lịch sử của những người theo chủ nghĩa khoái lạc, sự sùng bái tính mơ hồ hay chủ nghĩa vô chính phủ không có trách nhiệm và những hình thái khác. Có những hình thái của thuyết bình quyền "cấp tiến" đã nhấn mạnh chức vụ kiêm nhiệm, sự khác biệt, chủ nghĩa phân lập giới tính. Và cũng có những hình thái khác của thuyết bình quyền xã hội chủ nghĩa trong khi từ chối việc nhìn nhận cuộc đấu tranh của phụ nữ như một yếu tố đơn thuần hay một phần phụ của một phong trào mà có thể sau đó sẽ thống trị và nhấn chìm cuộc đấu tranh này, đã cho rằng việc giải phóng những nhóm xã hội và các giai cấp xã hội bị áp bức trong xã hội không phải chỉ là nhu cầu về đạo đức và chính trị mà là điều kiện cần thiết cho sự giải phóng phụ nữ.
Chúng ta đã đi từ sự khác biệt giữa các ký hiệu của Saussure cho đến sự khác biệt cũ kỹ nhất trên thế giới; và đây chính là vấn đề mà bây giờ chúng ta có thể tiếp tục khám phá nhiều hơn nữa.
Thiệu Bích Hường dịch từ cuốn Literary theory, An introduction,
University of Minnesota Press, Minneapolis, 1983
Nguồn: Sự đỏng đảnh của phương pháp, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2004