Nếu trong mảng phim ảnh, Disney khi xưa từng là kẻ thống trị, thì đến nay, những nhân vật như Mickey Mouse đã dần phai mờ, bị thay thế bởi thế giới văn hoá đại chúng. Tương tự, một thời Nintendo và Super Mario từng là những "ông hoàng" trong làng video game, thì đến nay, chúng đều bị soán ngôi bởi một thế lực mới mang tên Tencent.
Nói đến Tencent, nhiều người có thể cảm thấy lạ lẫm. Nhưng tên tuổi của hãng này sẽ trở nên thân thuộc hơn nếu đính kèm với các tựa game đang thịnh hành, như Fortnite, League of Legends hay Call of Duty. Đây đều là những sản phẩm do Tencent sở hữu toàn bộ hoặc một phần.
Tencent là ai
Không giống Nintendo, Tencent không chỉ đơn thuần là công ty phát triển video game mà là một tập đoàn lớn, được điều hành bởi một trong những doanh nhân, tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc: Mã Hoá Đằng hay Pony Ma. Tập đoàn này đầu tư vào nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, phim ảnh, dịch vụ âm nhạc, đọc sách, thương mại điện tử đến video game, như bộ phim Men In Black International mới đây do Tencent Pictures sản xuất. Các tựa phim sắp ra rạp, như Top Gun: Maverick hay Terminator: Dark Fate cũng do hãng này đứng sau. Ứng dụng nhắn tin WeChat hay QQ đang rất phổ biến với tổng cộng hơn một tỷ người dùng cũng do Tencent phát triển.
Trong khi Nintendo dành ra nhiều thập kỷ để xây dựng công ty từ con số 0 với đủ các lớp nhân vật, tựa game, Tencent lại có một chiến lược hoàn toàn khác biệt để tạo nên tên tuổi: Đầu tư hoặc mua lại các nhà sản xuất game lớn. Theo Business Insider, Tencent có một bộ hồ sơ khổng lồ các công ty phát hành game mà hãng sở hữu. Tập đoàn Trung Quốc từng mua 93% cổ phần của Riot Games, studio có trụ sở ở Los Angeles (Mỹ) nổi tiếng với hai tựa game đang hot gồm League of Legends hay Teamfight Tactics, hồi tháng 2/2011 và hoàn thành việc thâu tóm toàn bộ công ty này vào năm 2015.
Tencent hiện nắm 40% cổ phần của Epic Games, công ty có trụ sở ở North Carolina (Mỹ) nổi tiếng với tựa game Fortnite. Epics Games còn sở hữu kho game lớn cùng bộ phần mềm hỗ trợ chơi game đình đám là Unreal Engine. Bên cạnh đó, tập đoàn Trung Quốc còn nắm 84% cổ phần của Supercell, công ty phát triển game di động của Phần Lan với các tựa trò chơi như Clash of Clans, Clash Royale hay Brawl Stars.
Với các nhà phát hành lớn như Activistion với game Call of Duty hay Ubisoft với Assassin’s Creed, Tencent cũng nắm một phần nhỏ quyền sở hữu.
Tencent là "cửa" vào Trung Quốc
Activision, nhà phát hành game Call of Duty là một công ty Mỹ. Khi muốn đưa tự game này vào thị trường Trung Quốc, Activision buộc phải tìm đối tác để phát hành và họ lựa chọn Tencent. Ngay cả với một công ty lớn như Nintendo, họ cũng phải nhờ cậy Tencent để đưa mình vào thị trường màu mỡ của Trung Quốc. Hai hãng này đang phát triển máy game console mang tên Switch dành riêng cho thị trường đông dân nhất thế giới. Trong khi tập đoàn Trung Quốc cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và máy chủ để làm nền tảng cho Switch, Nintendo thực hiện việc địa phương hoá các nội dung game từ tiếng nước ngoài thành chữ Hán giản thể.
Hàng loạt những công ty lớn khác về game cũng có động thái tương tự Activision hay Nintendo để nhảy vào thị trường Trung Quốc, ví dụ EA, Sony hay Ubisoft. Hay nói cách khác, Tencent được coi như một "cửa khẩu", "cửa ngõ" để ngành công nghiệp game thế giới tiếp cận với các khách hàng của quốc gia này.
Bên cạnh đó, Tencent hiện còn điều hành WeGame, đối thủ của kho game lớn nhất thế giới là Steam. Nhiều năm qua, Steam được coi là kho game thống trị thị trường chơi game phương Tây nhưng đến khi WeGame ra mắt, vị trí này bị lung lay. Theo ước tính, số lượng người dùng trên WeGame cao hơn nhiều Steam.
Khi ra mắt Wii U, Nintendo bị cho là có bước đi kém may mắn bởi sản phẩm nhận lại sự thờ ơ của khách hàng, trở thành mẫu console bán kém nhất lịch sử của công ty này. Việc kinh doanh của Nintendo xuống dốc tới nỗi các nhà phân tích còn đặt ra câu hỏi liệu cuối cùng hãng có mất hoàn toàn vị thế hay không. Nguyên do được đưa ra cho các lo lắng là công ty này chỉ tập trung vào mảng video game.
Trong khi đó, Tencent Games chỉ là một phần nhỏ trong tập đoàn Tencent. Nó có thể sẵn sàng tham gia vào những màn đặt cược rủi ro và mạnh tay đầu tư hơn so với Nintendo. Nếu có thất bại, Tencent Games cũng không gây ra ảnh hưởng gì to lớn và trực tiếp quá đối với việc kinh doanh chung của tập đoàn mẹ.
Đức Trí (theo Business Insider)