"Đây là niềm tự hào của ngành y nói chung và chuyên ngành lao - bệnh phổi nói riêng", Bộ trưởng Long nói tại buổi lễ gắn tên đường.
Phố Phạm Khắc Quảng dài 965 m, rộng 19,5 m, là đoạn từ ngã ba giao cắt đường Phúc Lợi đến ngã ba giao cắt ô quy hoạch C.6/CXTP phường Giang Biên. Đây là một trong những tuyến phố đẹp thuộc quận Long Biên.
Giáo sư Phạm Khắc Quảng (1912- 2000), nguyên quán tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là người học trò kế tục xuất sắc sự nghiệp của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Y tế đầu tiên và Viện trưởng Viện Chống lao đầu tiên, nay là Bệnh viện Phổi Trung ương.
Giáo sư Quảng là Viện trưởng kế tiếp Viện Chống lao và là Chủ nhiệm Bộ môn Lao trường Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội Chống lao nay là Hội Phổi Việt Nam.
Năm 1940, sau khi đỗ bác sĩ, ông Quảng làm phụ giảng tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội. Năm 1951, ông từ chối gia nhập quân y chính quyền thời Pháp thuộc, chỉ chữa cho người bệnh lao ở Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bác sĩ Quảng đã vận động các nhà từ thiện giúp đỡ xây dựng thêm hai căn nhà để có thêm một số giường bệnh cho nhiều bệnh nhân lao.
Khi Hà Nội bị tạm chiếm, ông Quảng là nhân sĩ yêu nước, tích cực tham gia các công việc xã hội. Phòng khám bệnh tư của ông ở phố Tràng Thi là nơi gặp mặt của các trí thức thủ đô hướng về kháng chiến. Ông giúp đỡ cán bộ hoạt động bí mật trong nội thành, vận động quyên góp thuốc và dụng cụ y tế gửi cho kháng chiến. Ông cùng nhóm trí thức cho ra đời tờ báo "Công luận" với lập trường đòi lập lại hòa bình ở Việt Nam. Năm 1955, ông Quảng có căn nhà số 12 Bà Huyện Thanh Quan đã đổi cho Chính phủ làm Đại sứ quán và ông nhận nhà ở nơi khác.
Giáo sư Phạm Khắc Quảng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba. Năm 2006, Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và năm 2012, Bộ Y tế truy tặng Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch về công tác phòng chống lao và bệnh phổi; Nhà giáo nhân dân năm 1990.
Trải qua nhiều năm công tác, trên nhiều cương vị, giáo sư luôn đem hết khả năng, thời gian và công sức để chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và viết sách. Giáo sư đã tham gia đào tạo hàng nghìn thầy thuốc, bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II, thạc sĩ, tiến sĩ y học. Giáo sư là người thầy, người anh cả của nhiều thế hệ thầy thuốc chuyên khoa lao và bệnh phổi.
Hơn 50 năm gắn bó với nghề, ông đã có nhiều công trình khoa học. Nổi bật là "Chương trình chống lao 10 điểm" của ông đã được áp dụng từ những năm 1976, góp phần quan trọng vào phòng chống lao ở Việt Nam.