Đúng 8h11 ngày 10/12 theo giờ địa phương, tên lửa Trường Chinh 4B cất cánh từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở phía tây bắc Trung Quốc, đưa thành công một cặp vệ tinh Shijian-6 05 lên quỹ đạo động bộ Mặt Trời ở độ cao 585 km so với mực nước biển. Theo Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), các vệ tinh sẽ được sử dụng để khám phá không gian và thử nghiệm công nghệ mới.
Chuyến bay này đánh dấu lần thứ 400 tên lửa Trường Chinh bay vào quỹ đạo kể từ năm 1970, chiếm tới 92,1% các vụ phóng vào không gian của Trung Quốc trong 51 năm qua. "Chúng ta nên tự hào về thành tựu đó", nhà thiết kế chính của dòng tên lửa Trường Chinh Long Lehao từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc nhấn mạnh.
100 lần phóng đầu tiên của tên lửa Trường Chinh diễn ra trong 37 năm, nhưng mọi thứ tăng tốc nhanh chóng sau đó, với mỗi 100 lần phóng tiếp theo chỉ mất lần lượt 7 năm rưỡi, 4 năm 3 tháng và 2 năm 9 tháng.
Trong 100 lần phóng gần nhất, tên lửa Trường Chinh đã đóng góp quan trọng vào nhiều sứ mệnh lớn như khám phá Mặt Trăng, sao Hỏa và xây dựng trạm vũ trụ riêng của Trung Quốc trên quỹ đạo.
Hiện tại, có tổng cộng 11 mẫu tên lửa Trường Chinh - mới nhất là 5B, 7 và 8 - có thể đưa các loại tàu vũ trụ và vệ tinh khác nhau lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, trung bình, hoặc cao. Dự kiến đến năm 2028, Trung Quốc sẽ ra mắt thế hệ tên lửa hạng nặng đủ mạnh để đưa một phi hành đoàn lên Mặt Trăng.
Sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện phóng Trung Quốc sẽ cho phép nước này thực hiện nhiều nỗ lực khám phá không gian sâu hơn, bao gồm các sứ mệnh tiếp theo trên Mặt Trăng và sứ mệnh thứ hai trên sao Hỏa vào năm 2028 để mang mẫu vật trở lại Trái Đất. Trung Quốc cũng sẽ thăm dò các tiểu hành tinh và hệ thống sao Mộc vào khoảng năm 2030.
Đoàn Dương (Theo CGTN)