Phương tiện phóng New Shepard bao gồm tên lửa và khoang tàu tái sử dụng, cất cánh từ cơ sở phóng của Blue Origin ở Tây Texas vào 20h36 ngày 13/10 theo giờ Hà Nội. Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, khoang tàu nhẹ nhàng tiếp đất bằng dù. Tên lửa đẩy cũng hạ cánh thẳng đứng thuận lợi khoảng 8 phút sau khi phóng.
Nhiệm vụ thử nghiệm mang tên NS-13 là chuyến bay thử liên tục lần thứ 7 của tên lửa đẩy và lần bay thứ 13 trong chương trình New Shepard của Blue Origin. Công ty vũ hàng không vũ trụ do giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos thành lập năm 2000 lên kế hoạch sử dụng New Shepard để chở khách thương mại lên không gian gần quỹ đạo.
Trong nhiệm vụ NS-13, New Shepard chở 12 thiết bị khoa học vào vũ trụ. Một trong số đó là khối hàng Deorbit, Descent and Landing Sensor Demonstration của NASA. Đây là thí nghiệm giúp phát triển công nghệ hạ cánh mới cho chương trình Artemis của NASA, nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024.
"Thí nghiệm sẽ xác nhận những công nghệ này (cảm biến, máy tính, và thuật toán) kết hợp với nhau như thế nào để xác định vị trí cũng như tốc độ của tàu vũ trụ khi tới gần Mặt Trăng, cho phép phương tiện hạ cánh tự động trên bề mặt Mặt Trăng trong bán kính 100 m quanh địa điểm mục tiêu" đại diện của Blue Origin chia sẻ. "Công nghệ sẽ mở đường cho các nhiệm vụ tương lai, bao gồm cả không người lái và có người lái. hạ cánh ở những vị trí được coi là bất khả thi trong chương trình Apollo, như khu vực có địa hình phức tạp gần miệng hố".
Các khối hàng khác của NS-12 bao gồm hệ thống trồng cây trôi nổi gọi là µG-LilyPond, hệ thống mới để lấy mẫu tiểu hành tinh trong môi trường lực hấp dẫn nhỏ và công nghệ làm mát giúp tàu vũ trụ khỏi bị quá nhiệt. Blue Origin cũng mang hàng chục nghìn bưu thiếp vào không gian và trở lại Trái Đất.
Với 13 chuyến bay thử, New Shepard có thể bắt đầu chở khách thương mại trong những chuyến bay du lịch không gian kéo dài 10 phút lên vùng cận quỹ đạo. Tuy nhiên, Blue Origin chưa công bố ngày tiến hành chuyến bay có người lái đầu tiên.
An Khang (Theo Space)