Camera ở Waycross, bang Georgia, ghi hình một vật thể bí ẩn lao qua bầu trời sáng ngày 5/5. Sáng rực, bay nhanh và để lại phía sau vầng hào quang dài, vật thể trông gần giống một con sứa ngoài không gian, theo Chris Combs, giáo sư khí động lực và kỹ thuật cơ khí tại Đại học Texas, San Antonio.
Đây thực chất không phải là UFO mà là tên lửa Falcon 9 của SpaceX, phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida, cách camera khoảng 400 km về phía nam. Hàng chục tên lửa rời bệ phóng tại Kennedy mỗi năm, nhưng rất ít trong số đó tạo ra hình dạng đặc biệt như vậy trên bầu trời.
Phần cơ thể dài và phồng của con sứa chỉ đơn giản là khí thải từ vòi phun động cơ tên lửa của Falcon 9, Combs giải thích. Khí thải có hình dạng như vậy do sự chênh lệch áp suất bên trong và bên ngoài vòi phun. Trong trường hợp này, khi thoát ra từ vòi phun của động cơ, khí thải có áp suất cao hơn không khí xung quanh. Để phù hợp với áp suất xung quanh trong khí quyển, khí thải tên lửa giảm áp suất của chính nó bằng cách giãn nở ngay sau khi rời khỏi vòi phun.
Bên cạnh hình dạng độc đáo, "sứa vũ trụ" còn phát sáng nhờ vào thời điểm phóng. Vụ phóng tên lửa xảy ra trước bình minh (khoảng 5h45 theo giờ địa phương), ánh nắng xuất phát từ ngay phía trên đường chân trời chiếu vào khí thải, khiến nó phát sáng rực rỡ trên nền trời tối.
Ngoài vũ trụ, các nhà khoa học cũng bắt gặp một con sứa không gian khác cách Trái Đất khoảng 300 triệu năm ánh sáng. Đó là đám mây trong cụm thiên hà Abell 2877. Khi các nhà thiên văn học quan sát cụm thiên hà này bằng kính viễn vọng vô tuyến, họ thấy một con sứa đang bơi qua không gian xa xôi. Con sứa khổng lồ này là kết quả của một vụ nổ khí lớn, cụ thể là vụ phun trào từ các hố đen cổ đại.
Thu Thảo (Theo Space)