Tầng đẩy của tên lửa Falcon 9 đang trôi nổi trên quỹ đạo từ khi SpaceX phóng vệ tinh thời tiết vũ trụ năm 2015. Sau khi kích hoạt động cơ để tới quỹ đạo chuyển tiếp, tầng thứ hai của tên lửa trở nên lỗi thời trong lúc Đài quan sát Khí hậu Không gian sâu bắt đầu hành trình tới điểm LaGrange ở giữa Trái Đất và Mặt Trời. Phương tiện phóng nằm ở độ cao lớn đến mức không có đủ nhiên liệu để hồi quyển, đồng thời thiếu năng lượng để thoát khỏi lực hấp dẫn của hệ Trái Đất - Mặt Trăng.
Hiện nay, các chuyên gia cho biết quỹ đạo của tên lửa đã qua sử dụng sẽ giao cắt với Mặt Trăng vào ngày 4/3. Đầu tháng 1, Bill Gray, chuyên gia theo dõi vật thể gần Trái Đất như tiểu hành tinh và sao chổi, kêu gọi các nhà thiên văn học nghiệp dư và chuyên nghiệp theo dõi tên lửa. Với dữ liệu mới, Gray cho rằng tầng trên của Falcon 9 chắc chắn sẽ đâm vào vùng tối của Mặt Trăng, gần xích đạo, dù rất khó dự đoán chính xác tác động của ánh sáng Mặt Trời đối với tên lửa và góp phần làm thay đổi quỹ đạo của phương tiện.
"Những tác động không thể dự đoán rất nhỏ", Gray nói. "Nhưng chúng sẽ tích tụ dần từ nay đến ngày 4/3. Rác vũ trụ có thể hơi khó theo dõi". Gray nhấn mạnh cần quan sát thêm để xác định thời gian và vị trí va chạm chính xác.
Nếu dự đoán chính xác, những vệ tinh đang quay quanh Mặt Trăng bao gồm Tàu Lunar Reconnaissance và tàu Chandrayaan-2 của Ấn Độ có thể thu thập quan sát về miệng hố va chạm. Năm 2009, NASA từng chủ động đâm tầng tên lửa đã sử dụng vào Mặt Trăng. Nhưng vụ va chạm sắp tới sẽ đánh dấu lần đầu tiên một mảnh phần cứng tình cờ đâm xuống bề mặt Mặt Trăng.
Trong các nhiệm vụ liên hành tinh, tầng trên của tên lửa thường được đưa lên quỹ đạo nhật tâm để tránh xa Trái Đất và Mặt Trăng. Đối với những vụ phóng tàu vũ trụ bay gần Trái Đất, bộ phận này thường rơi trở lại khí quyển và bốc cháy. Tầng thứ hai của tên lửa Falcon 9 có khối lượng khoảng 4 tấn, dự kiến lao vào Mặt Trăng ở tốc độ 2,58 km/s. Tên lửa Falcon 9 phóng Đài quan sát Khí hậu Không gian sâu (DSCOVR) từ Trạm không gian Cape Canaveral ở Florida vào tháng 2/2015 trong nhiệm vụ trị giá 340 triệu USD.
An Khang (Theo Mail)