Tên lửa Soyuz-2.1a kết hợp với tầng trên Fregat được phóng lên bầu trời nhiều mây từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vào lúc 13h07 ngày 22/3 theo giờ Hà Nội, mang theo tổng cộng 38 vệ tinh từ 18 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Arab Saudi, Đức, Italy và Brazil.
Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào thứ Bảy tuần trước nhưng hai lần bị trì hoãn do vấn đề kỹ thuật. "Chúng tôi đã phát hiện điện áp tăng vọt và quyết định không mạo hiểm", Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin cho biết.
Hầu hết các vệ tinh mới được triển khai đều được sản xuất bên ngoài nước Nga, trong đó có Challenge-1, vệ tinh đầu tiên được chế tạo hoàn toàn ở Tunisia bởi tập đoàn viễn thông Telnet.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, lĩnh vực vũ trụ của Nga đã tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế do vướng vào các bê bối tham nhũng và trì trệ công nghệ.
Vào năm 2018, tên lửa Soyuz chở một phi hành gia của Nga và một phi hành gia của NASA đã bị hỏng giữa chuyến bay, buộc phi hành đoàn phải hạ cánh khẩn cấp. Cả hai đều may mắn sống sót mà không bị thương.
Kể từ chuyến bay đầu tiên vào ngày 8/11/2004, Roscosmos đến nay đã triển khai tổng cộng 116 sứ mệnh không gian với dòng tên lửa đẩy Soyuz-2, trong đó có 109 sứ mệnh thành công, 4 sứ mệnh thất bại hoàn toàn và 3 sứ mệnh thất bại một phần.
Đoàn Dương (Theo AFP)