Tên lửa Falcon Heavy thử nghiệm động cơ tĩnh. Video: Twitter.
Tất cả 27 động cơ ở tầng một của tên lửa đẩy Falcon Heavy được khai hỏa cùng lúc vào hôm qua ở bệ phóng 39A thuộc Trung tâm bay vũ trụ Kennedy tại Florida, Mỹ, để kiểm tra mức độ sẵn sàng trước chuyến bay đầu tiên. Quá trình chỉ kéo dài vài giây và tên lửa được cố định chặt trên mặt đất, theo BBC.
Falcon Heavy sẽ trở thành tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới khi khởi hành. Tùy theo phân tích thử nghiệm động cơ tĩnh, tên lửa sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong vòng hai tuần tới. "Thử nghiệm nổ động cơ của Falcon Heavy sáng hôm qua rất tốt và tạo ra một tầng mây hơi chồng chất. Tên lửa sẽ phóng trong khoảng hơn một tuần nữa", Elon Musk, giám đốc kiêm kỹ sư thiết kế chính của công ty, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.
Falcon Heavy gồm ba lõi tên lửa Falcon 9 của SpaceX gộp lại. Nhưng cấu hình ba tầng đẩy đòi hỏi nhiều điều chỉnh chi tiết, bao gồm củng cố tầng đẩy trung tâm. 27 động cơ Merlin ở chân tên lửa có thể tạo lực đẩy gần 23.000 kilonewton, gần gấp đôi tên lửa mạnh nhất thế giới hiện nay là Delta IV Heavy do đối thủ cạnh tranh của SpaceX, United Launch Alliance, vận hành. Tên lửa Falcon Heavy cao 70 m được thiết kế để chở tối đa 64 tấn hàng hóa lên quỹ đạo thấp của Trái Đất, dù phương tiện hiếm khi phải chở lượng hàng lớn như vậy.
SpaceX dự định để tầng đẩy của tên lửa quay trở lại Trái Đất sau vụ phóng tương tự như với tên lửa Falcon 9. Việc đưa vào sử dụng tên lửa Falcon Heavy cũng mở ra khả năng chuyển hàng hóa lớn hơn ra ngoài quỹ đạo Trái Đất như đưa tàu vũ trụ chở phi hành gia lên Mặt Trăng hoặc mang những robot lớn tới sao Hỏa.
Mô phỏng tên lửa Falcon Heavy phóng vào không gian. Video: Instagram.
Do chuyến bay đầu tiên của một tên lửa thường đi kèm với rủi ro cao, Falcon Heavy sẽ không chở hàng hóa thực sự khi phóng. Thay vào đó, Musk quyết định đặt một chiếc xe thể thao Tesla Roadster màu đỏ ở đầu tên lửa. Ông dự định sẽ phóng chiếc xe lên quỹ đạo sao Hỏa.
Phương Hoa