Tên lửa Falcon Heavy khổng lồ của SpaceX khai hỏa sau hơn ba năm "nghỉ ngơi", hoàn thành thử nghiệm lửa tĩnh trên bệ phóng 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, Space hôm 28/10 đưa tin. Đây là tên lửa mạnh nhất đang chở hàng hóa lên không gian.
Lửa tĩnh là loại thử nghiệm thông dụng trước khi phóng, trong đó các động cơ ở tầng thứ nhất của tên lửa sẽ khai hỏa trong thời gian ngắn và tên lửa vẫn cố định trên mặt đất. Việc hoàn thành cột mốc quan trọng này giúp Falcon Heavy chuẩn bị cho nhiệm vụ USSF-44. Nhiệm vụ này dự kiến diễn ra ngày 1/11 nhằm triển khai hai vệ tinh cho Lực lượng Vũ trụ Mỹ.
USSF-44 là lần phóng thứ tư của Falcon Heavy và lần đầu tiên kể từ tháng 6/2019. Tuy nhiên, trong 40 tháng này, SpaceX đã thực hiện tới hơn 100 nhiệm vụ với tên lửa Falcon 9.
Sức mạnh ấn tượng của Falcon Heavy là một trong những lý do khiến tên lửa này phải ở dưới mặt đất lâu như vậy. Đa số các công ty điều hành vệ tinh không cần một phương tiện có thể chở tới 64 tấn hàng hóa lên quỹ đạo Trái Đất thấp như Falcon Heavy. Vì vậy, họ sử dụng các tên lửa hạng trung rẻ hơn như Falcon 9. Mức giá cho chuyến vận chuyển của Falcon 9 là 67 triệu USD, trong khi với Falcon Heavy là 97 triệu USD. Chính phủ mới cần những phương tiện lớn, theo Phil Smith, chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp vũ trụ tại công ty tư vấn BryceTech.
Ngoài ra, một số vụ phóng của Falcon Heavy đã bị lùi lại đáng kể so với kế hoạch. USSF-44 là một trong những nhiệm vụ như vậy. Ban đầu, USSF-44 dự kiến phóng vào cuối năm 2020, nhưng vấn đề về vệ tinh đã ảnh hưởng đến kế hoạch này.
Thu Thảo (Theo Space)