Hệ thống tàu Starship bay xa hơn nhiều so với lần bay đầu tiên hồi tháng 4/2023. Tên lửa đẩy và tàu vũ trụ rời khỏi bệ phóng vào 19h ngày 18/11 theo giờ Hà Nội, trong đó Super Heavy khai hỏa tất cả 33 động cơ Raptor. Khoảng 2,5 phút sau khi cất cánh, tên lửa Super Heavy dùng hết phần lớn nhiên liệu và quá trình tách rời diễn ra. Tuy nhiên, quá trình đó kết thúc với việc động cơ đẩy Super Heavy cao 70,7 m bị phá hủy, nổ tung thành quả cầu lửa phía trên vịnh Mexico.
Tàu Starship ở tầng thứ hai sử dụng 6 động cơ của chính nó để tiếp tục đạt tốc độ cao hơn. SpaceX hướng tới phóng tàu vũ trụ ở gần vận tốc quỹ đạo (28.000 km/h). Tuy nhiên, tàu Starship tự phát nổ trước khi đạt độ cao mục tiêu. Việc liên lạc với động cơ đẩy của Starship đã bị trục trặc, dẫn đến kích hoạt thuật toán tự hủy sau đó.
Nguyên nhân gốc rễ dẫn tới thất bại của tên lửa Super Heavy chưa được làm rõ. Tuy nhiên, vụ nổ tên lửa đẩy xảy ra sau giai đoạn mang tên "hot staging" mà SpaceX thử nghiệm lần đầu tiên hôm 18/11. Phương pháp này được sử dụng để tách tàu Starship và tên lửa Super Heavy sau khi cất cánh. Elon Musk, giám đốc điều hành SpaceX, cho biết hot staging là phần rủi ro nhất trong chuyến bay và công ty sẽ đánh giá nhiệm vụ thành công nếu Starship vượt qua giai đoạn đó. Nhưng sau giai đoạn hot staging, tên lửa đẩy Super Heavy rơi mất kiểm soát và phát nổ trên vịnh Mexico. Trước đó, SpaceX hy vọng có thể tái kích hoạt động cơ của Super Heavy để điều khiển tên lửa hạ cánh có kiểm soát.
Ban đầu, tàu vũ trụ Starship tiếp tục di chuyển sau khi tách ra. Khoảng 8 phút sau lúc cất cánh, tàu Starship gần kết thúc việc đốt động cơ giúp phương tiện bay lên quỹ đạo Trái Đất. Nhưng SpaceX xác nhận họ mất tín hiệu video với tàu Starship không lâu sau. Khoảng 11,5 phút sau lúc cất cánh, công ty thông báo mất dữ liệu, chứng tỏ tàu Starship không bay như dự kiến. Hệ thống hủy bay trên tàu được kích hoạt để ngăn phương tiện chệch hướng, kết thúc sớm chuyến bay thử nghiệm.
Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, tàu Starship sẽ tiếp tục tăng tốc vào không gian. Con tàu sẽ hoàn thành gần một vòng bay quanh Trái Đất và hạ cánh xuống Thái Bình Dương gần Hawaii. Hoạt động tự hủy không lâu sau khi cất cánh của phương tiện rất giống lần phóng đầu tiên hồi tháng 4. Trong chuyến bay thử nghiệm đó, vài động cơ của Super Heavy không hoạt động và tên lửa bắt đầu rơi mất kiểm soát. SpaceX buộc phải kích hoạt hệ thống tự hủy, khiến cả hai tầng nổ tung trên vịnh Mexico.
SpaceX mất vài tháng để phục hồi sau sự cố. Công ty buộc phải xây lại bãi phóng bị vỡ thành nhiều mảnh do lực khổng lồ khi tên lửa khai hỏa động cơ. Họ cũng cập nhật cả tàu Starship và tên lửa Super Heavy. SpaceX thường gặp sự cố ở giai đoạn đầu phát triển tên lửa. Từ lâu, công ty duy trì đường lối học hỏi cách chế tạo tên lửa nhanh và rẻ hơn thông qua quá trình "thử và lỗi" thay vì dựa vào thử nghiệm trên mặt đất và mô hình vi tính.
NASA đầu tư tới 4 tỷ USD vào hệ thống tên lửa với mục tiêu sử dụng tàu Starship để chở phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng trong nhiệm vụ Artemis III, dự kiến diễn ra sớm nhất năm 2025. Nhiệm vụ hướng tới đưa con người quay lại Mặt Trăng lần đầu tiên sau 5 thập kỷ. Thất bại lần này có thể trì hoãn quá trình phát triển Starship và những nhiệm vụ quan trọng đi kèm với nó.
Khi chính thức cất cánh, Starship sẽ vượt qua tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA (từng phóng thành công trong nhiệm vụ Artemis 1 hồi tháng 11 năm ngoái) để đoạt danh hiệu tên lửa mạnh nhất thế giới. Starship có thể chở 165 tấn lên quỹ đạo Trái Đất trong mỗi nhiệm vụ ở cấu hình tái sử dụng. 33 động cơ Raptor của Super Heavy tạo ra khoảng 16,5 triệu tấn lực đẩy khi cất cánh, gần gấp đôi siêu tên lửa giữ kỷ lục trước đó là SLS.
An Khang (Theo CNN)