Tên lửa ba tầng mang tên Nuri, dài hơn 47 m và nặng 200 tấn, được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Naro ở vùng duyên hải phía nam của Hàn Quốc vào lúc 16h theo giờ địa phương, tức 18h ngày 21/6 theo giờ Hà Nội.
Theo Bộ Khoa học Hàn Quốc, chuyến bay đã diễn ra suôn sẻ như kế hoạch với 6 trọng tải được triển khai thành công vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, bao gồm 5 vệ tinh viễn thám và một vệ tinh giả nặng 1,3 tấn.
Vụ phóng hôm thứ Ba là chuyến bay quỹ đạo thứ hai của tên lửa Nuri. Lần đầu tiên diễn ra vào tháng 10 năm ngoái nhưng thất bại trong nỗ lực triển khai vệ tinh giả do tầng đẩy thứ ba của tên lửa ngừng hoạt động sớm hơn dự kiến.
"Con đường từ Hàn Quốc lên vũ trụ đã mở ra từ bây giờ", Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh sau vụ phóng. "Đó là thành quả của những thử thách khó khăn trong 30 năm qua. Giờ đây, ước mơ và hy vọng của người dân chúng ta sẽ vươn xa vào không gian".
Theo Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI), trước sứ mệnh Nuri của nước này, chỉ có Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đã phát triển thành công phương tiện phóng có khả năng mang vệ tinh nặng hơn 1 tấn lên quỹ đạo.
Dự án NURI được ấp ủ từ năm 2010 với chi phí đầu tư lên tới 1,66 tỷ USD. KARI là đơn vị thiết kế tên lửa, trong khi Korea Aerospace Industries, Hanwha Aerospace và Hyundai Heavy Industries chịu trách nhiệm sản xuất và lắp ráp.
Việc sở hữu tên lửa đẩy riêng sẽ là chìa khóa cho các kế hoạch xây dựng hệ thống định vị và do thám dựa trên vệ tinh, mạng lưới thông tin liên lạc 6G và thậm chí cả tàu thăm dò Mặt Trăng của Hàn Quốc trong tương lai.
Đoàn Dương (Theo Space/Reuters)