Tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX rời bệ phóng tại Trạm không quân Cape Canaveral, Florida, Mỹ, để đưa tàu vũ trụ chở hàng Dragon tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hôm 5/12, theo Space. Theo kế hoạch, tầng thứ nhất của tên lửa sẽ quay lại Trái Đất và hạ cánh xuống bãi đáp Landing Zone 1 ở Cape Canaveral.
Việc này đã diễn ra hơn 30 lần. Trong đó, một số tên lửa đáp xuống đất liền còn số khác hạ cánh trên tàu chuyên dụng của SpaceX ngoài biển. Các chuyên gia sẽ kiểm tra, sửa chữa và tái sử dụng chúng cho lần phóng sau. Đây là một phần trong kế hoạch giảm chi phí phóng tàu vũ trụ của SpaceX.
Tuy nhiên, tên lửa lần này không thể hạ cánh ở vị trí dự kiến trên đất liền. Nó xoay rất nhanh khi lao xuống tầng khí quyển thấp. Trục trặc xảy ra ở cánh lái nên tên lửa chuyển hướng, đáp xuống biển để đảm bảo an toàn. "Nó có vẻ không bị hư hại và vẫn truyền dữ liệu. Tàu vớt tên lửa đã khởi hành tới đó", Elon Musk, CEO của SpaceX, cho biết. Sau sự việc, có thể SpaceX sẽ trang bị thêm cho tên lửa một hệ thống dự phòng.
Chuyến hạ cánh lần này của Falcon 9 hoàn toàn không gây nguy hiểm cho con người, theo Hans Koenigsmann, chuyên gia tại SpaceX. Tầng thứ nhất của tên lửa sử dụng thuật toán nhằm mục tiêu, giữ chúng bay ngoài biển cho đến giai đoạn cuối trong quá trình hạ cánh, khi mọi thứ chắc chắn hoạt động tốt. Chúng cũng có khả năng tránh đâm vào các tòa nhà kể cả khi lạc đến điểm tiếp đất khác.
Ngoài ra, tầng thứ nhất và thứ hai của Falcon 9 đều trang bị hệ thống hủy chuyến bay tự động, Koenigsmann giải thích.
"Hệ thống sẽ can thiệp nếu những biện pháp an toàn trên gặp trục trặc. Sự việc không ảnh hưởng đến những lần phóng sắp tới của SpaceX", Koenigsmann bổ sung.