Trong hệ thống giáo dục Mỹ, College là đại học chỉ đào tạo và cấp bằng về một lĩnh vực cụ thể, còn University là một tổng thể bao gồm nhiều College với nhiều lĩnh vực đào tạo. Ví dụ, trong một University, bạn có thể tìm thấy College of Business (gồm các ngành như Accounting (Kế toán), Finance (Tài chính), Marketing (Tiếp thị), Business management hoặc College of Engineering (gồm các ngành về kỹ sư phần mềm, vi tính, cơ khí, cầu đường, dầu khí, hóa…), College of Architecture (ĐH Kiến trúc), College of Education (ĐH Sư phạm)...
Ở một số trường đại học, người ta cũng có thể dùng từ School thay cho College. Ví dụ, School of Medicine (ĐH Y khoa), School of Business, School of Engineering…
Nói cách khác, khi bạn vào một University, nghĩa là bạn sẽ tốt nghiệp từ một College nào đó của trường. Do vậy, xét về mặt học thuật, ý nghĩa của hai từ University và College không khác biệt nhiều khi nói đến đại học ở Mỹ. Phần lớn người Mỹ đều dùng từ College thay vì University để nói đến việc học ở cấp bậc đại học.
Người ta chỉ dùng từ University khi đề cập đến một trường đại học cụ thể nào đó, ví dụ như Harvard University, Stanford University, hay University of California in Los Angles...
Tuy nhiên, cũng có một số trường đại học vẫn giữ chữ College trong tên trường của mình thay vì University vì nhiều lý do. Một trong những lý do đó là ý nghĩa và giá trị lịch sử của ngôi trường. Ví dụ như College of William & Mary ở Virginia, thành lập năm 1693 vẫn giữ nguyên tên này cho dù nó tương đương University.
Hoặc Dartmouth College ở New Hampshire thành lập năm 1769 cũng là một đại học danh tiếng bậc nhất của Mỹ. Cũng có những University hoàn toàn không dùng từ này trong tên trường của mình như Massachusetts Institute of Technology (MIT).
Mặt khác, ở Mỹ, bạn cũng cần phải phân biệt College trong các trường đại học với Community College. Trong khi các trường đại học có thể đào tạo và cung cấp các bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ và làm các công việc nghiên cứu thì Community College chỉ có thể đào tạo và cung cấp các bằng hai năm (Associate’s degree, giống như bằng trung cấp ở Việt Nam), hoặc các chứng chỉ dạy nghề (certificates).
Sinh viên cũng có thể theo học hai năm đầu của bậc đại học ở Community College trước khi chuyển sang đại học để học hai năm cuối và lấy bằng cử nhân tại đại học đó. So với các trường đại học, Community College rẻ tiền hơn và cũng dễ dàng được nhận vào hơn.
Tuy nhiên, ở một số nước nói tiếng Anh khác trên thế giới, việc sử dụng từ University và College cũng có sự khác biệt. Ví dụ, ở Canada, University là nơi cung cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, hoặc tiến sĩ, nhưng College chỉ có thể cung cấp các loại chứng chỉ.
Tương tự, ở Australia, các trường College được gọi là Technical and Further Education (TAFE) cũng chỉ có thể cung cấp các loại chứng chỉ.
Vì vậy, nếu nhìn ở góc độ của người Mỹ, các trường đại học Việt Nam đều là College vì mỗi trường chỉ đào tạo một lãnh vực riêng biệt. Ví dụ, ĐH Bách khoa chỉ đào tạo kỹ sư, nên nó chỉ có thể là College of Engineering, ĐH Kinh tế là College of Business, ĐH Y là College of Medicine, ĐH Y Dược chỉ có thể là College of Pharmacy, ĐH Sư phạm là College of Education…
Nhưng nếu đem Việt Nam ra so sánh với các nước khác trên thế giới, việc sử dụng từ University hay College cũng có thể được thay đổi tùy theo hoàn cảnh (giống như ở Canada hay Australia). Cho nên, việc dịch tên các trường đại học ở Việt Nam sang tiếng Anh quan trọng nhất là đúng ý nghĩa và chức năng của từng trường và cần có sự thống nhất giữa các trường.
Nguyễn Nghĩa