Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức và quản lý của cơ sở giáo dục đại học; hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và một số hoạt động khác của cơ sở giáo dục đại học. Văn bản cũng áp dụng với trường đại học, học viện, đại học và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đại học.
Việc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học được quy định chi tiết. Tên cơ sơ giáo dục đại học gồm: cụm từ xác định loại cơ sở (đại học, trường đại học, học viện); cụm từ xác định lĩnh vực, ngành nghề đào tạo (nếu cần); tên riêng bao gồm tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, lịch sử, tên cá nhân, tổ chức.
Nguyên tắc đặt tên là không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đại học khác đã thành lập hoặc đăng ký, bảo đảm sự trong sáng của ngôn ngữ. Việc đặt tên không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tên của cơ sở giáo dục đại học phải bằng tiếng Việt, kèm tên giao dịch quốc tế được xác định trong quyết định thành lập hoặc quyết định đổi tên. Việc đổi tên của cơ sở giáo dục đại học được thực hiện trong trường hợp cần thiết, đồng thời phải bảo đảm các quy tắc trên.
Trước đó, nguyên tắc đặt tên trường đại học được quy định tại Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định 70 năm 2014 của Thủ tướng. Ngoài cụm từ xác định loại trường, ngành nghề lĩnh vực, tên riêng còn có cụm từ xác định chất lượng, đẳng cấp nếu thấy cần thiết.
Dự thảo nghị định trên cũng hướng dẫn cụ thể các thủ tục chuyển trường đại học thành đại học với các điều kiện cần thiết gồm: trường đại học đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng; ít nhất năm trường thuộc trường đại học được thành lập đúng quy định; có nghị quyết của hội đồng trường.
Ngoài ra, sự chuyển đổi này cần có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường đại học đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục; văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của trường.
Tương tự, điều kiện để liên kết các trường đại học thành đại học gồm: có ít nhất ba trường đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học tham gia liên kết; các trường phải cùng loại hình, trừ trường hợp trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành đại học tư thục không vì lợi nhuận.
Dự thảo cũng có điều khoản chi tiết về cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu. Tiêu chí cho loại hình này gồm:
- Tỷ lệ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không dưới 50% tổng số chương trình đào tạo cấp bằng; quy mô người học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không ít hơn 25% tổng quy mô đào tạo và cấp tối thiểu 20 bằng tiến sĩ/năm;
- Tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 25% tổng thu của cơ sở giáo dục đại học.
- Công bố tối thiểu 100 bài báo ISI/Scopus/năm trong toàn cơ sở giáo dục đại học và đạt tỷ lệ trung bình 0,3 bài/năm/giảng viên trong ba năm gần nhất.
- Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học.
Dự thảo cũng quy định trình độ đào tạo chuyên sâu đặc thù, khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc đã tốt nghiệp chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp đối với người đã có bằng cử nhân.