Tổng hợp từ hơn 2.300 tài khoản được thu thập trên các diễn đàn ngầm của những phần tử khủng bố chiến binh thánh chiến, TMICF cho biết có tới 34% trong số đó sử dụng Telegram, một ứng dụng chat miễn phí, cho phép trò chuyện ẩn danh và được mã hóa dữ liệu. Theo một nghiên cứu trước đó, ứng dụng này cũng đã được ISIS dùng để trao đổi các thông tin mật với nhau.
Theo CNN, sở dĩ Telegram được những kẻ khủng bố lựa chọn là bởi nó “nhanh và an toàn hơn” so với các ứng dụng nhắn tin khác. Thế mạnh của nó là cơ chế mã hóa 2 lớp, tốc độ gửi tin nhắn, tập tin, hình ảnh… cực nhanh, tin nhắn tự hủy sau một thời gian nhất định, cho phép trò chuyện nhóm với số thành viên tối đa lên đến 200 người…
Cũng từ số liệu thống kê, WhatsApp của Facebook và Wickr là 2 cái tên tiếp theo được các chiến binh thánh chiến ưu tiên, mỗi ứng dụng chiếm 15%. Các nhà chức trách từng ngăn chặn 16 kế hoạch khủng bố đang được trao đổi trên WhatsApp.
Ngoài ra, các chiến binh thánh chiến còn sử dụng các ứng dụng nhắn tin ít tiếng tăm khác, như Surespot hay Threema. Tất cả đều có điểm chung là sự đơn giản, được mã hóa nội dung và người ngoài khó có thể tiếp cận.
Trong khi đó, Gmail là cái tên được những kẻ khủng bố ưa thích. Hiện có tới 34% các chiến binh thánh chiến đang sử dụng dịch vụ email phổ biến nhất thế giới với hơn 1 tỷ người dùng này.
Đứng thứ 2 và thứ 3 là dịch vụ email Mail2Tor và SIGAINT , mỗi cái tên chiếm 20%, cuối cùng là RuggedInbox và Yahoo. Trình duyệt mà những kẻ khủng bố yêu thích nhất để kiểm tra email là Tor.
Các phần tử khủng bố còn tự phát triển một ứng dụng mã hóa email mang tên Mujahideen Secrets từ năm 2007 nhằm thay thế các phần mềm bảo mật PGP (Pretty Good Privacy - một chương trình mã khóa công cộng) vốn phổ biến từ trước và theo chúng là kém an toàn.
Kẻ khủng bố cũng đã tạo ra một loạt các công cụ mã hóa mới nhằm ngăn chặn sự nhòm ngó của phương Tây và phe đối địch, như Asrar al-Dardashah, cho phép mã hóa nội dung trò chuyện trên AIM, Google Talk, MSN, Yahoo… Năm 2013, một nhóm có tên Truyền thông Hồi giáo toàn cầu (Global Islamic Media Front, thuộc Al-Quaeda) đã tạo ra ứng dụng mang tên Tashfeer al-Jawwal với tính năng mã hóa các thiết bị di động. Cũng trong năm này, Amn al-Mujahed, ứng dụng mã hóa email và tin nhắn văn bản đã được tạo bởi Bộ phận kỹ thuật Al-Fajr – (một nhóm chủ đạo của tổ chức Al-Qaeda).
“Những công cụ mã hóa mới của khủng bố có vẻ như đơn giản nhưng lại thực sự nguy hiểm và ngày càng khó tiếp cận. Ngay cả chuyên gia hàng đầu thế giới về bảo mật cũng không dễ dàng làm điều đó”, Robert Graham, chuyên gia của hãng bảo mật Errata Security (Mỹ), nhấn mạnh.
Bảo Lâm