"Chúng tôi hy vọng có lãi vào năm tới, không phải năm nay", Pavel Durov nói với FT. Đây cũng là lần đầu ông nhận lời phỏng vấn kể từ năm 2017.
Ra đời năm 2013, Telegram đặt trụ sở tại Dubai (UAE). Sau 10 năm, Durov cho biết nền tảng thu hút hơn 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, tăng từ 500 triệu đầu 2021. Công ty hiện có doanh thu "hàng trăm triệu USD" kể từ khi giới thiệu tính năng quảng cáo và đăng ký gói trả tiền cách đây hai năm.
Cũng theo Durov, Telegram được định giá hơn 30 tỷ USD từ các nhà đầu tư tiềm năng. Ông loại trừ việc bán nền tảng vì "muốn duy trì sự độc lập", nhưng đang cân nhắc IPO.
Từng là ngôi nhà chung của cộng đồng tiền điện tử, đến nay Telegram đã bùng nổ nhờ các tính năng nhắn tin bảo mật mã hóa đầu cuối. Không chỉ cộng đồng crypto, nền tảng trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng cho các chính phủ và quan chức, cũng như người dùng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo Telegram không được kiểm duyệt, do đó vẫn là điểm nóng cho hoạt động tội phạm, lừa đảo cũng như nội dung cực đoan, khiêu dâm, khủng bố và thông tin sai lệch.
Theo Reuters, Durov từng được ca ngợi là "Mark Zuckerberg của Nga" sau khi đồng sáng lập ra VKontakte (VK), mạng xã hội phổ biến nhất tại Nga. Ông cũng nhiều lần công khai ủng hộ quyền tự do ngôn luận. Telegram ra đời với lý do này. Ông tạo ra nền tảng cùng với anh trai Nikolai Durov năm 2013.
Một năm sau, Duủov rời khỏi Nga. Đến nay, Telegram không có nhiều đối thủ ngoài cái tên lớn nhất là WhatsApp thuộc sở hữu của Meta, hiện có 1,8 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, theo dữ liệu của công ty phân tích Sensor Tower. Trong khi đó, một ứng dụng phổ biến khác là Signal có 30 triệu người dùng tính đến hết tháng 2.
Bảo Lâm