Tài khoản Twitter của sáng lập Telegram Pavel Durov từ 12/6 liên tục đăng tweet về các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) nhằm vào dịch vụ nhắn tin của mình. Ban đầu, công ty phát hiện các đợt tấn công nhằm vào người dùng Telegram tại châu Mỹ và một số quốc gia thuộc châu lục khác.
Tuy nhiên, đến ngày 13/6, đội bảo mật của Telegram xác nhận có nhiều cuộc tấn công hơn thế và đa số bắt nguồn từ Trung Quốc. "Địa chỉ IP chủ yếu đến từ Trung Quốc. Tất cả các đợt DDoS mà chúng tôi hứng chịu (200 - 400 Gb/giây) đều trùng với thời gian diễn ra các cuộc biểu tình ở Hong Kong", Durov viết.
Trong các tweet sau đó, cả tài khoản Telegram lẫn Durov liên tục cập nhật trạng thái. Đến cuối ngày 13/6, dịch vụ nhắn tin này cơ bản đã được phục hồi và trở lại hoạt động bình thường.
Telegram hiện có hơn 200 triệu người dùng. Theo CNN, Hong Kong là một trong số những nơi ứng dụng nhắn tin này được ưa chuộng do cơ chế được mã hóa hai lớp đầu cuối, không thể bị hacker xâm nhập và đọc nội dung. Trong cuộc biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc hôm 9/6, không ít người đã dùng ứng dụng này để trao đổi thông tin để tránh việc chính phủ theo dõi.
Trong quá khứ, Telegram từng nhiều lần được người biểu tình sử dụng, chẳng hạn đợt xuống đường chống chính phủ ở Iran năm ngoái. Tuy vậy, nó cũng là ứng dụng yêu thích của các phần tử khủng bố. Nga đã cấm Telegram năm ngoái do công ty có trụ sở tại Đức không chịu cung cấp khóa mã hóa cho FSB - một cơ quan an ninh của Nga.
Bảo Lâm (theo CNN)