EIU vừa công bố Báo cáo Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu (Worldwide Cost of Living), nghiên cứu giá 200 sản phẩm và dịch vụ tại 173 thành phố. Năm nay, Tel Aviv (Israel) lần đầu tiên giữ ngôi thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Khoảng một phần 10 hàng hóa tại Tel Aviv tăng giá. Năm ngoái, thành phố này đứng thứ 5.
EIU giải thích nguyên nhân chính là đồng Shekel - tiền tệ của Israel - tăng giá mạnh. Đồng tiền này tăng vọt "so với đôla Mỹ do chính sách tiêm vaccine thành công của Israel".
Israel là một trong những nước có chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh nhất thế giới. Theo số liệu từ Our World in Data, 62% dân số nước này đã được tiêm đầy đủ. Tính đến tháng 11, đồng Shekel của Israel tăng 4% so với đôla Mỹ. Dù vậy, đồng tiền này gần đây đã giảm giá.
EIU tính toán lạm phát tính theo các loại giá cả họ theo dõi vào khoảng 3,5% hồi tháng 9/2021. Đây là tốc độ nhanh nhất trong 5 năm qua. Con số này cùng kỳ năm 2020 chỉ là 1,9%.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá và thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng đã khiến giá hàng hóa tăng cao, EIU giải thích. Nhóm vận tải tăng mạnh nhất, do giá xăng tăng thêm trung bình 21% một lít năm nay.
Upasana Dutt - Giám đốc Chi phí sinh hoạt toàn cầu tại EIU cho rằng giá cả có thể tiếp tục tăng trên toàn cầu vào năm tới, do mức lương tăng lên. "Dù vậy, chúng tôi cũng dự báo các ngân hàng trung ương nâng lãi suất thận trọng để kiềm chế lạm phát", bà nói.
Paris năm nay lùi về thứ 2. Theo sau là Singapore, Zurich và Hong Kong. Rome có mức giảm mạnh nhất, nhờ giá trang phục và thực phẩm giảm.
Hà Thu (theo CNBC)