Ảnh minh họa: Spot. |
Sinh ra trong một gia đình kinh tế khá giá, được mẹ chiều nhưng Hà lại thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Từ bé đến giờ, việc chăm sóc cậu được giao toàn quyền cho người giúp việc. Hết giờ học ở trường về nhà cậu thường chơi một mình với rất nhiều thứ đồ chơi mẹ mua. Gần đây, cậu bắt đầu chuyện trò với mẹ qua máy vi tính.
Hai mẹ con cứ chat với nhau thế, lâu dần thành một thói quen. Sự giao tiếp giữa hai người chủ yếu thông qua phương tiện trung gian là máy vi tính. Đến mức, khi về nhà ngồi đối diện với nhau, họ cũng không thể nói chuyện với nhau bằng lời mà vào phòng riêng, mỗi người một máy nói chuyện với nhau.
Mọi chuyện sẽ vẫn không có gì thay đổi nếu không phải một ngày kia, Hà tình cờ quen biết với một cô bạn cùng trường. Dù trong lòng rất thích nhưng mỗi lần gặp nhau, cậu lại tỏ ra bối rối, lúng túng thì cô bạn kia lại rất hồn nhiên, mạnh dạn, nói cười vui vẻ. Điều đó, khiến cậu thấy mình kém cỏi, mặc cảm, tự ti, chỉ cần nghĩ đến lúc gặp lại cô bạn là cậu đã thấy tay run, tim đập nhanh, có lúc thấy như nghẹt thở.
Mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn khi cậu bị bạn gái từ chối. Việc học của Hà cũng từ đó giảm sút, cậu ngại tiếp xúc với bạn bè. Hết giờ học, cậu lại về nhà, tự giam mình trong phòng. Càng ngày cậu càng trở nên cô đơn, không muốn đến trường, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, sợ hãi, buồn rầu, thất vọng. Có lần, cậu đã uống thuốc ngủ tự tử nhưng may mắn gia đình phát hiện kịp. Dù qua cơn nguy kịch nhưng những lo lắng ở cậu càng nặng nề hơn.
Tiến sĩ - bác sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna (Phố Vọng, Hà Nội) cho biết, cậu bé ấy đã bị cha mẹ bỏ rơi trong chính gia đình của mình. Cậu bé lúng túng khi đối diện trước bạn gái, thậm chí ngay cả khi nói chuyện với mẹ. Thế nhưng khi ngồi trước máy tính, Hà cảm thấy an toàn hơn, lo lắng bối rối giảm, nói chuyện tự nhiên hơn. Cũng vì thế mà khi bắt đầu để ý, thích một bạn gái cùng trường cậu rất lúng túng, bối rối trong việc thể hiện tình cảm. Việc bị bạn gái từ chối như một tác nhân kích thích khiến những lo lắng, sợ hãi của cậu càng trở nên nặng nề hơn.
Trường hợp của Hà được gọi là chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ. Đây là một chứng bệnh thường gặp trong tâm thần. Nguyên do của nỗi ám ảnh đó ở đây là do cậu bé hay lo lắng, gặp khó khăn trong giao tiếp, thể hiện cảm xúc, ngay cả khi nói chuyện với chính người thân.
Trong xã hội ngày nay, những đứa trẻ bị bỏ rơi trong chính gia đình của mình như Hà không phải là hiếm gặp. Bố mẹ ly dị, Minh, đang học lớp 9 một trường tại Hà Nội sống cùng mẹ và anh trai. Thế nhưng lúc nào cậu cũng thấy cô đơn. Cậu được mẹ đưa đến phòng khám tâm lý sau một lần uống thuốc tự tử không thành.
"Người mà tôi gọi là mẹ ấy có bao giờ quan tâm đến tôi đâu, lúc nào cũng lo kiếm tiền, xây nhà. Mỗi khi có việc gì không vừa lòng mẹ đều trút giận lên tôi. Còn người tôi gọi là anh trai thì lúc nào cũng bận, hỏi gì thì cũng bảo ‘Mày tự làm đi’. Việc gì mà tôi phải cố gắng học vì có ai bận tâm đâu. Tiền nhiều mà để làm gì, tôi đâu có cần". Đó là những dòng tâm sự được cậu bé viết ra khi cô đơn.
Tiến sĩ Bưởi cho biết, cùng chung sống dưới một mái nhà nhưng dường như mỗi người trong gia đình Minh đều sống trong một thế giới riêng. Mẹ cậu bé lao vào vòng xoáy kiếm tiền, kiếm thật nhiều để mong con có cuộc sống tốt hơn, bù đắp sự thiếu thốn người cha. Nhưng điều chị quên mất là bên cạnh vấn đề vật chất, cậu bé cũng rất cần sự quan tâm của gia đình. Cảm xúc bị bỏ rơi, không ai quan tâm bị kìm nén lâu ngày trong lòng, không ai chia sẻ khiến cậu càng rơi vào trạng thái bế tắc, thậm chí muốn tìm đến cái chết để giải thoát.
Cũng theo bà Bưởi, những trẻ gặp phải rối loạn trên thường lớn lên trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Có thể, bố nghiện rượu, hành vi thô bạo, cha mẹ hay cãi nhau, ly dị hoặc thiếu sự quan tâm đến con. Tuy nhiên, không phải trẻ nào lớn lên trong hoàn cảnh đó cũng gặp phải những rối loạn về tâm thần. Nếu mạnh mẽ, đủ nghị lực thì trẻ có thể vượt qua nghịch cảnh đó để tồn tại. Nhưng nếu là con người yếu đuối, sống tình cảm, nội tâm thì trẻ sẽ rất dễ vấp ngã nếu không được quan tâm, chia sẻ từ người thân.
Chuyên gia khuyến cáo, không chỉ chăm lo cho con về vật chất, gia đình nên quan tâm đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Cha mẹ cần thay đổi nhận thức và có những ứng xử tình cảm thích hợp, giao tiếp nhiều hơn với con. Hãy gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu chia sẻ với con, phát hiện sớm những băn khoăn, lo lắng, sợ hãi bất thường của chúng.
Đồng thời, tăng cường kỹ năng sống, kết bạn, giao tiếp xã hội, làm sao để trẻ có thể kết bạn, có khả năng duy trì và tăng cường các mối quan hệ. Nếu có bạn, trẻ sẽ có người chia sẻ những căng thẳng, lo lắng cũng như niềm vui. Nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi, thể thao để trẻ được hòa đồng.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.