Theo tờ trình xin ý kiến cổ đông của Hội đồng quản trị Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), ngân hàng này dự kiến thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm nhân thọ Kỹ thương (TCLife), với vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỷ đồng. Nhà băng cho biết sẽ sở hữu ít nhất 50% vốn công ty này.
Động thái này diễn ra 5 tháng sau khi Techcombank chấm dứt hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Manulife (tháng 10/2024), để chủ động trong mảng kinh doanh bảo hiểm.
Lý do lập công ty bảo hiểm nhân thọ riêng, theo Techcombank, là tiềm năng thị trường này rất lớn. Họ muốn chủ động cung cấp sản phẩm cho khách hàng và có thể thu lợi ích tài chính (doanh thu phí, giá trị tài sản tăng từ phần vốn góp...) khi sở hữu doanh nghiệp bảo hiểm riêng.
Tương tự, với bảo hiểm phi nhân thọ, họ cho rằng cơ hội thị trường và khả năng khai thác sản phẩm trong hệ thống khách hàng khá lớn. Do đó, Techcombank sẽ chi 285 tỷ đồng để mua lại 57% vốn của Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns) từ cổ đông lớn nhất là Công ty Đầu tư và phát triển NewCo. Nhờ đó, sở hữu của nhà băng này tại đây tăng từ 11% lên 68%, qua đó trở thành công ty mẹ.
TCGIns hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, mới thành lập tháng 10/2024. Doanh nghiệp này cung cấp các sản phẩm như bảo hiểm tài sản; bảo hiểm các lĩnh vực hàng hóa vận chuyển, hàng không, xe cơ giới và các loại nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe...
Trước đó, từ 2013, Techcombank và Manulife hợp tác chiến lược trong mảng bảo hiểm. Đây là một trong những thương vụ bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancassurance) đình đám, mang lại khoản phí trả trước và hoa hồng lớn hàng năm cho ngân hàng. Đỉnh điểm trong hai năm 2021 và 2022, thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank lần lượt đạt 1.558 tỷ và 1.750 tỷ đồng. Sau khủng hoảng bảo hiểm, nguồn thu này giảm mạnh, về còn 667 tỷ đồng năm 2023 và 606 tỷ vào năm ngoái.
Sau khi chấm dứt quan hệ đối tác độc quyền, ngân hàng của ông Hồ Hùng Anh đã trả 1.800 tỷ đồng cho Manulife. Tuy nhiên, nhà băng này cho rằng đây là cơ hội để làm mới mảng kinh doanh bảo hiểm với chiến lược "khác biệt khó sao chép". Theo lãnh đạo ngân hàng, hiện có khoảng 70-80% khách hàng muốn sử dụng dịch vụ bảo hiểm. Do đó, vấn đề là tạo ra giải pháp tốt nhất về sản phẩm, dịch vụ và đúng cách.
Phương Đông