Ông Jens Lottner - CEO Techcombank chia sẻ cùng độc giả VnExpress về sự thay đổi chiến lược chia cổ tức ngân hàng sau một thập kỷ và nhìn lại chặng đường của nhà băng sau 30 năm phát triển.

Ông Jens Lottner - CEO Techcombank. Ảnh: NVCC
- Trước đây Techcombank ưu tiên bán lẻ và giảm phụ thuộc vào khách hàng doanh nghiệp lớn. Nhưng đến cuối quý II, tỷ trọng khách hàng cá nhân giảm tương đối nhiều so với cuối năm trước, trong khi cho cho vay mua bất động sản và doanh nghiệp có chiều hướng tăng. Tại sao lại có sự dịch chuyển này, thưa ông?
- Tôi khẳng định Techcombank thực sự mong muốn đẩy mạnh mảng bán lẻ và không có chiến lược tăng tỷ trọng của danh mục cho vay với khách hàng doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên chúng ta cũng cần xem xét điều gì đang diễn ra trên thị trường lúc này.
Môi trường lãi suất cao cản trở nhu cầu vay của nhóm bán lẻ. Tài chính tiêu dùng cũng rủi ro cao. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nói rằng, chi phí vay lúc này quá cao, thậm chí ngay cả khi lãi suất hạ vẫn chưa đủ hấp dẫn. Khi bạn xem xét lĩnh vực sản xuất và một số lĩnh vực khác, nhu cầu vay cũng rất thấp. Ngay cả khi bạn đưa họ "miễn phí", nhiều công ty vẫn không thể nhận vì thiếu dự án hiệu quả.
Trong môi trường như vậy, các công ty và tập đoàn lớn có sức chống chịu tốt hơn. Nguồn thu của nhóm này đa dạng, đến từ các cấu phần khác nhau của nền kinh tế, giúp khả năng cân bằng của họ tốt hơn. Chúng tôi không dừng mở rộng mảng bán lẻ, đơn giản là xuất phát từ tình hình hiện tại của nền kinh tế. Nếu chúng tôi tìm kiếm nơi rót tiền lúc này, đó nên là các doanh nghiệp lớn.
Nói một cách khác, chiến lược tập trung bán lẻ là không đổi, nhưng ở giai đoạn này doanh nghiệp lớn là lựa chọn ít rủi ro hơn. Điều này chỉ là vấn đề thời gian, không phải vấn đề chiến lược. Khi thị trường thay đổi, Techcombank sẽ tiếp tục dịch chuyển như mục tiêu tôi đã nói và chúng tôi vẫn đang tăng tốc xây dựng nền tảng để đạt được điều này, bao gồm cả các sản phẩm dịch vụ ngoài tín dụng. Một ví dụ cụ thể là nguồn phí từ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (Business Banking) của ngân hàng tăng trưởng tới 54% năm ngoái, và 23% trong 6 tháng đầu năm nay.
- Trong bối cảnh nhiều thách thức, tại sao ông vẫn đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng, như đưa Techcombank vào top 10 ngân hàng tại Đông Nam Á?
- Với bối cảnh thị trường hiện tại, có lẽ mọi người lúc này nói nhiều đến sự khó khăn của mảng trái phiếu hay bất động sản. Tôi nghĩ ở một góc độ nào đó những thách thức đang đương đầu là một phần của quá trình phát triển. Các nền kinh tế khác trong khu vực, như Malaysia hay Thái Lan cũng trải qua những giai đoạn tương tự. Quan trọng lúc này là thị trường cần thêm chính sách hỗ trợ, cũng như các quy định chặt chẽ hơn.
Và mọi người có thể thấy, thị trường trái phiếu đã bắt đầu ấm trở lại, nhiều khách hàng có nhu cầu mua trái phiếu dù thận trọng. Bảo hiểm cũng tương tự, hiện vẫn còn thấp so với trước kia nhưng nếu làm tốt, và thực sự đi từ nhu cầu của khách hàng thì đây vẫn là một lĩnh vực kinh doanh rất tiềm năng.
Tóm lại, điều quan trọng vẫn là khách hàng cần có niềm tin trở lại và tôi tin Techcombank có thể làm được điều này.
- Năm nay Techcombank kỷ niệm 30 năm thành lập, nếu để mô tả ngắn gọn, ngân hàng hôm nay và 30 năm trước thay đổi như thế nào?
- 30 năm là một chặng đường, Techcombank từ một ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng đã trở thành một trong những ngân hàng tư nhân top đầu, với hơn 12.000 nhân viên, phục vụ hơn 12 triệu khách hàng. Có thể nói chúng tôi của ngày nay đã khác xa so với Techcombank của 30 năm trước, nhưng một điều không thay đổi là "tinh thần Techcombank".
Như bạn thấy, tiền tố của Techcombank bắt đầu bằng "Tech" - công nghệ. Trong suốt 30 năm hoạt động, chúng tôi luôn xác định vai trò quan trọng của quá trình chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số.
Trong suốt quá trình phát triển, Techcombank đã trải qua nhiều thách thức, như giai đoạn 2011-2012 khi cả ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn thì chúng tôi đã trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên làm sạch được bảng cân đối kế toán. Chúng tôi nhận thức rằng, mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ, đó mới chỉ là sự bắt đầu của một nhiệm vụ mới. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ.
- Tại Đại hội đồng cổ đông 2023, Chủ tịch Techcombank hé lộ năm nay là năm cuối trong kế hoạch 10 năm không chia cổ tức bằng tiền. Ngân hàng có dự định thế nào?
- Năm 2013, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh đã nói ngân hàng sẽ không trả cổ tức trong vòng 10 năm. Năm nay, thời hạn này đã hết và cũng là lúc để xem xét lại điều đó.
Khi xem xét vấn đề này cách đây một thập kỷ, một trong những mối quan tâm của chúng tôi là tỷ lệ an toàn vốn. Việc duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở ngưỡng 15% là điều cần thiết với ngành ngân hàng theo quan điểm của chúng tôi, đặc biệt đảm bảo cho các ngân hàng đi qua các chu kỳ và tiếp tục phát triển sau đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn đảm bảo có thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng ổn định 20% mỗi năm. Nếu lúc này Techcombank vẫn có thể đảm bảo các điều kiện này, việc chia cổ tức là điều khả thi.
Khi xem xét kế hoạch và một số thay đổi trong các quy định, tôi tin rằng Techcombank có thể duy trì được mức tăng trưởng bình quân 20% và CAR 15% trong khi vẫn trả cổ tức cho cổ đông. Từ góc độ quản lý vốn, kinh doanh và an toàn hoạt động điều này thực sự khả thi.
Chúng tôi cũng không trả cổ tức cho cổ đông chỉ vì "à, hôm nay là ngày sinh nhật, hãy tặng một món quà". Chúng tôi xem xét lại, giống như lần trước, liệu Techcombank có thể duy trì một chính sách như vậy trong 5-10 năm tới hay không? Và đó là điều chúng tôi đang phân tích ngay bây giờ. Nhưng như tôi đã nói, tôi khá tự tin rằng ở tình hình hiện tại, cùng tiềm năng lợi nhuận của ngân hàng, Techcombank thực sự có thể theo đuổi chính sách chia cổ tức nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng.

CEO Teckcombank nói về chiến lược phát triển của ngân hàng trong 10 năm tới. Ảnh: NVCC
- 10 năm sắp tới, ông kỳ vọng Techcombank lúc đó sẽ như thế nào?
- Khác biệt giữa Techcombank của 30 năm trước và hiện giờ là một câu hỏi khó, vì tôi không được chứng kiến những thời khắc ban đầu. Nhưng, nếu bạn hỏi về tương lai thì tôi có thể trả lời ngay. Tôi hy vọng trong thời gian tới, nhân sự của Techcombank có thể ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động đang thực hiện. Cốt lõi ở đây là chúng tôi có thể tạo ra môi trường, trong đó tất cả mọi người đều có những cơ hội phát triển.
Có câu nói "Một triệu USD đầu tiên luôn là mục tiêu khó nhất". Tôi nghĩ việc đưa Techcombank từ một ngân hàng có vốn hóa từ một triệu USD lên một tỷ USD cũng là điều không dễ. Nhưng từ những bước đầu tiên, đến giờ ngân hàng đã đi được quãng đường rất xa. Kết quả kinh doanh vượt xa kỳ vọng của chúng tôi phần nào đã thể hiện những lựa chọn mang tính chiến lược. Tôi cũng luôn khuyến khích nhân viên rằng chúng ta đã đi một chặng đường dài và bứt phá rất nhiều giới hạn, đó là những thành tựu mà Techcombank cần tiếp nối, duy trì cho 10 năm tới.
Một kỳ vọng khác là sự thay đổi thói quen của những khách hàng. Chủ trương của ngân hàng là giúp mọi người dễ dàng tiếp cận các giải pháp tài chính thông qua các nền tảng số hóa tiện lợi và giao dịch nhanh chóng.
Chúng tôi cũng hy vọng những lựa chọn của Techcombank với mảng bất động sản sẽ mang lại hiệu quả. Nếu như Việt Nam muốn chuyển từ nền kinh tế mới nổi sang nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao, rõ ràng chúng ta cần phải chuẩn bị. Rất nhiều người sẽ chỉ tập trung vào khi nào, thời điểm nào thì nền kinh tế thật sự bùng nổ, nhưng tôi nghĩ quan trọng hơn đó là quá trình chuẩn bị.
Như tôi đã nói, Techcombank đang ở thời điểm quan trọng, sẵn sàng để có thể phát triển nhanh và mạnh hơn trong không chỉ một năm mà là mười năm tới. Chúng tôi không tập trung vào những lợi nhuận mang tính ngắn hạn, mà sẽ tập trung vào bức tranh dài hạn hơn. Xuyên suốt 30 năm vừa qua, chúng tôi đã đi theo đúng định hướng đó và sẽ tiếp tục đi theo định hướng đó.
Hồng Thảo