Trong phiên họp thường niên dự kiến diễn ra cuối tháng 4, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) sẽ trình cổ đông phương án không chia cổ tức năm 2021. Ban lãnh đạo giải thích, động thái trên nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Lợi nhuận sau thuế của riêng ngân hàng mẹ thu về năm ngoái hơn 15.800 tỷ đồng. Nhà băng này dự kiến trích 5% quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (tương đương 790 tỷ đồng) và 10% quỹ dự phòng tài chính (tương đương 1.580 tỷ đồng) và 38 tỷ đồng được đưa vào quỹ phúc lợi.
Sau các khoản trích quỹ, lợi nhuận còn lại của năm ngoái hơn 13.390 tỷ đồng. Lũy kế các khoản lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước, Techcombank hiện có hơn 40.100 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Nếu được thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất, Techcombank chia cổ tức với hình thức cổ phiếu là năm 2018. Lúc bấy giờ, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới. Nguồn chia cổ phiếu lấy từ lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn từ việc bán cổ phiếu quỹ.
Năm 2012, Hội đồng quản trị Techcombank thừa nhận động thái không chia cổ tức khiến một số cổ đông không vui nhưng bù lại giá trị cổ phiếu và các chỉ số an toàn sẽ tăng lên. Đến phiên họp thường niên năm 2016, Chủ tịch Hồ Hùng Anh tiếp tục khẳng định việc trên là để đảm bảo giá trị cổ phiếu khi lên sàn trong tương lai.
Sau khi niêm yết năm 2018, Techcombank vẫn theo đuổi chiến lược này với lý do muốn đảm bảo ngân hàng luôn đầy đủ vốn, không mất tiền cho việc huy động bên ngoài. Nhà băng này cũng cho rằng nguồn lợi nhuận có sẵn sẽ đảm bảo sự an toàn về lâu dài và là nguồn lực để ngân hàng mở rộng đầu tư, tăng tín dụng.
Một lãnh đạo cũng từng phát biểu, nhà đầu tư sẽ có lợi khi tham gia cổ phiếu TCB trong dài hạn. Nếu muốn mua đi bán lại, cổ phiếu ngân hàng này không phải là nơi thích hợp.
Năm nay, lãnh đạo Techcombank dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 27.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Trong năm trước, ngân hàng này lần đầu tiên ghi nhận lãi trước thuế vượt mốc một tỷ USD (hơn 23.200 tỷ đồng). Nếu hoàn thành kế hoạch, ngân hàng này tiếp tục lập kỷ lục về lợi nhuận.
Techcombank dự kiến ghi nhận hơn 446.500 tỷ đồng dư nợ, tăng trưởng 15% hoặc cao hơn nhưng trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng sẽ thấp hơn 1,5%.
Ngoài ra, Techcombank sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Ngân hàng này sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng một đơn vị. Số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động của nhà băng. Nếu được thông qua, đây là năm thứ 5 liên tiếp Techcombank phát hành hàng triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên.
Tại phiên họp sắp tới, Techcombank cũng trình đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Đỗ Tuấn Anh với lý do cá nhân và tránh các xung đột lợi ích không cần thiết đối với ngân hàng. Trước đó, ông Tuấn Anh đã xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch. Hiện ông là Tổng giám đốc Tập đoàn KDI Holdings, doanh nghiệp do cựu chủ tịch Sacombank - ông Kiều Hữu Dũng - thành lập và làm chủ tịch.
Tất Đạt