Báo cáo mới nhất của Techcombank cho thấy lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 22.800 tỷ đồng, tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 37.400 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,5% và 28,9% cùng kỳ năm trước. Ngân hàng tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với mức 40,5%, nhờ số dư CASA đạt kỷ lục 200.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II tăng ở mức 15,1% và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) duy trì là 2,6%.
Chia sẻ rõ hơn về các con số này, ông Jens Lottner cho biết, hạn mức tăng trưởng được giao cao thường dành cho các ngân hàng tăng trưởng tốt. "Trong những năm qua, chúng tôi tăng trưởng ở mức 20%, trong khi phần còn lại của ngành ở khoảng 6%. Hiện tại, Techcombank tiến rất gần đến hạn mức được giao (18-19%) và có thể kết thúc năm ở mức cao hơn nữa", ông Jens khẳng định.
Vị CEO nói thêm, cho vay bất động sản là lĩnh vực tăng trưởng tích cực. Người dân đang rất quan tâm đến bất động sản như một hoạt động đầu tư lãi cao. Ông cũng định hướng đầu tư thêm vào lĩnh vực du lịch giải trí trong thời gian tới. "Tất cả lĩnh vực thường được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước, không phải do xuất khẩu. Bởi vì theo thời gian, xuất khẩu có thể giảm khi nền kinh tế trong nước ngày càng phát triển", ông Jens phân tích.
Trong 9 tháng đầu năm, Techcombank ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ tăng trưởng thu nhập lãi và quản trị chi phí hiệu quả. Thu nhập lãi thuần đạt 26.900 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước. NIM (trượt 12 tháng) duy trì tại 4,3%, tương đương quý trước và cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng 17,1%, đạt 8.300 tỷ đồng. Đặc biệt, phí dịch vụ ngân hàng đầu tư tăng 110,6%, đạt 2.541 tỷ đồng.
Một số hoạt động thu phí khác của ngân hàng cũng có sự gia tăng đáng kể. Trong đó, phí dịch vụ bảo hiểm đạt 594,1 tỷ đồng, tăng 29,8%. Mức tăng này phản ánh sự khác biệt trong sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng của Techcombank khi thị trường chứng kiến niềm tin người tiêu dùng dần quay trở lại.
Cuối tháng 9, tổng tài sản của Techcombank đạt 927.100 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng 17,4% so với đầu năm, lên 622.100 tỷ đồng. Tín dụng cá nhân là động lực chính cho sự tăng trưởng này. Ngoài ra, dư nợ khách hàng cá nhân tăng tới 6% so với quý trước.
Tăng trưởng tín dụng cá nhân chủ yếu do mảng cho vay mua nhà, tăng 6,6% so với quý trước và 13,2% so với đầu năm, lên mức 193.600 tỷ đồng. Số dư trả trước hạn vay mua nhà giảm ở mức thấp nhất trong một năm qua.
Tín dụng doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng trưởng ổn định với 2,9% so với quý trước và 16,3% so với đầu năm, lên 395.100 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của Techcombank tăng nhẹ lên mức 10.600 tỷ đồng nhưng giảm nhẹ trong quý III. Chi phí dự phòng ghi nhận mức tăng đáng kể.
Vị thế vốn của Techcombank vẫn duy trì với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) 82,2%, tính đến cuối tháng 9 - dưới mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu trong quý III chỉ ở mức nhẹ.
Nhà băng kết thúc 9 tháng đầu năm với hơn 14,8 triệu khách hàng và tiếp tục mở rộng thông qua các nền tảng số và chi nhánh giao dịch.
Ông Jens Lottner cho biết, trong quý III, Techcombank tiếp tục ghi nhận những kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội với các chỉ số được duy trì trong nhóm các ngân hàng hiệu quả hàng đầu thị trường. Đồng thời, quý này cũng ghi nhận những bước đi mới của ngân hàng, đặc biệt mảng kinh doanh bảo hiểm với hai sự kiện quan trọng trong tháng 10: dừng mối quan hệ đối tác độc quyền với Manulife, góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns). "Đây là nhưng bước tiến quan trọng của Techcombank trong chiến lược mở rộng hệ sinh thái, phục vụ nhiều khách hàng hơn với các sản phẩm tài chính, bảo hiểm toàn diện hơn", ông Jens khẳng định.
Khối lượng trái phiếu do TCBS tư vấn phát hành đạt khoảng 40.000 tỷ đồng và tăng về phân phối. Việc đầu tư vào công nghệ giúp TCBS cải thiện trải nghiệm khách hàng đáng kể, với hơn 86.400 khách hàng mới trong 9 tháng, ghi nhận lợi nhuận trước hoàn thành 105% kế hoạch năm.