Vì lý do an toàn và nguy cơ tiềm ẩn, tập đoàn khoa học Biorescue cho biết họ quyết định cho về hưu tê giác cái Najin 32 tuổi, nguồn hiến tế bào trứng cho dự án nhân giống tê giác trắng phương bắc sắp tuyệt chủng. Quyết định này sẽ biến Fatu, con cái của Najin, trở thành vật hiến duy nhất trong nỗ lực cứu sống loài vật đã tuyệt chủng về mặt chức năng. "Đánh giá rủi ro và cơ hội đối với các cá thể và toàn bộ loài, chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định này mà không có phương án thay thế", Biorescue cho biết.
Từ năm 2019, tập đoàn đa quốc gia Biorescue đã thu thập trứng từ Najin và Fatu cho chương trình hỗ trợ sinh sản chưa từng có trước đây đối với loài tê giác. Trong quy trình chứa đựng nhiều rủi ro do một đội bác sĩ thú y quốc tế tiến hành, những con tê giác được gây mê trong gần hai giờ để lấy trứng bằng kỹ thuật đúc kết từ nhiều năm nghiên cứu và phát triển. Các chuyên gia vận chuyển trứng bằng máy bay tới phòng thí nghiệm ở Italy để thụ tinh, phát triển và bảo tồn, sử dụng tinh trùng từ hai con đực khác nhau đã chết.
Hồi tháng 7/2021, Biorescue thông báo họ đã tạo thêm 3 phôi thai của phân loài tê giác trắng, nâng tổng số lượng phôi thai lên 12. Nhưng tất cả phôi thai tồn tại được đều đến từ Fatu và chương trình vẫn đi kèm rủi ro dù tiến hành cẩn thận, theo Jan Stejskal, giám đốc dự án quốc tế ở Công viên safari Dvur Kralovs, nơi Najin chào đời năm 1989. Stejskal cho biết Najin sẽ vẫn là một phần trong chương trình, cung cấp mẫu mô cho phương pháp sử dụng tế bào gốc, có thể thực hiện với mức độ xâm lấn tối thiểu.
Cả Najin và Fatu đều không thể sinh con, vì vậy tê giác cái mang thai hộ sẽ được lựa chọn từ quần thể tê giác trắng phương nam. Chương trình sinh sản là cơ hội sống sót cuối cùng của phân loài tê giác trắng phương bắc. Con tê giác đực cuối cùng thuộc loài này tên Sudan đã chết ở khu bảo tồn Ol Pejeta tại Kenya năm 2018, nơi Najin và Fatu sống dưới sự canh gác 24/7.
Tê giác có rất ít động vật ăn thịt trong tự nhiên nhưng số lượng của chúng sụt giảm dần do nạn săn trộm từ thập niên 1970. Tê giác hiện đại đã tồn tại trên Trái Đất 26 triệu năm và theo ước tính vào giữa thế kỷ 19, có hơn một triệu con tế giác còn sống trong tự nhiên.
An Khang (Theo Phys.org)