Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Khoa Học - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP HCM: Trong những ngày giãn cách xã hội, tuy tỷ lệ tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp giảm đáng kể, song tỷ lệ người lớn tuổi té ngã trong nhà lại khá cao. Có những ngày, bệnh viện nhận được 5-7 trường hợp bệnh nhân lớn tuổi té ngã, có trường hợp gãy cổ xương đùi và phải thay khớp.
Người lớn tuổi thường xuyên té ngã do nhiều nguyên nhân, phổ biến là đi lại khó khăn do đau chân, đau khớp. Ngoài ra, những bệnh đi kèm như tiểu đường, tăng huyết áp, tim và thiếu máu cục bộ... cũng gây ảnh hưởng đến việc đi lại. Cụ thể, khi sử dụng nhiều thuốc, có thể mang lại tác dụng phụ, khiến người lớn tuổi chóng mặt, giảm thị lực, dễ xảy ra té ngã.
Nếu không được điều trị loãng xương một cách thích hợp, chỉ cần người bệnh té nhẹ và chống tay, sẽ dẫn đến gãy cổ xương cánh tay, nặng hơn là thay khớp vai. Các trường hợp khi bị té ngã đập mông xuống sàn, dễ bị gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển xương đùi... Nặng hơn, có thể sẽ cần thay khớp.
Với người lớn tuổi, việc gãy xương không nguy hiểm nhiều đến tính mạng. Tuy nhiên sau khi gãy xương có thể có những hệ lụy nặng khác. Khi cơ thể phải nằm bất động lâu, sẽ tác động lên hệ thống tuần hoàn, khiến các bệnh như tim mạch trở nặng hơn, hoặc gây viêm đường tiểu, loét do tì đè. Đồng thời khi không vận động, việc lưu thông máu trong cơ thể sẽ bị chậm, dễ hình thành những cục máu đông, gây tắc nghẽn ở tĩnh mạch chi dưới, làm chân bị sưng, phù nề. Nếu không may mắn, cục máu đông sẽ đi đến phổi, gây viêm tắc phổi, đe dọa tính mạng của các bệnh nhân lớn tuổi.
Do đó, việc điều trị, can thiệp kịp thời giúp bệnh nhân có thể ngồi dậy sớm, đi lại sớm rất cần thiết, đồng thời tránh được những hệ lụy nặng nề cho người lớn tuổi.
Hà Thanh