Henrietta Lacks sinh ngày 1/8/1920 ở Roanoke, Virginia, Mỹ. Ở tuổi 31, người mẹ 5 con đến bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore do cơn đau ở cổ tử cung và chảy máu bất thường. Khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện một khối u ở cổ tử cung của cô. Chỉ 8 tháng sau chẩn đoán, ngày 4/10/1951, Lacks qua đời và được chôn cất trong một ngôi mộ vô danh, theo Newsweek.
Trong suốt thời gian Lacks chữa trị ở bệnh viện, bác sĩ lấy mẫu tế bào ung thư của cô và đưa tới phòng thí nghiệm để phân tích. Những tế bào này rất khác thường. Trong khi phần lớn tế bào người chỉ có thể tồn tại vài ngày trong điều kiện phòng thí nghiệm, tế bào của Lacks tiếp tục phát triển và phân chia liên tục như thể bất tử. Kiểu "bất tử" này rất phổ biến ở tế bào ung thư, nhưng tế bào của Lacks có thể sinh sản đặc biệt nhanh. Vì vậy, chúng được sử dụng để tạo ra dòng tế bào người bất tử đầu tiên, gọi là tế bào HeLa, đặt theo tên của Lacks.
Trong 7 thập kỷ qua, tế bào Hela đã đóng góp vào khoảng 70.000 nghiên cứu khoa học, cứu sống hàng triệu người. Nhưng Lacks chưa từng đồng ý để giới nghiên cứu sử dụng tế bào của cô. Mãi nhiều thập kỷ sau, gia đình cô mới biết sự thực. Đầu tháng 8, gia đình Lacks cuối cùng đạt được thỏa thuận đền bù cho đóng góp của cô vào lịch sử y học.
Tế bào của Lacks được sử dụng để tăng cường hiểu biết về bệnh ung thư cổ tử cung từng cướp đi mạng sống của cô. Năm 1985, các nhà khoa học Đức, đứng đầu là học giả Nobel Harald zur Hausen phát hiện tế bào HeLa chứa nhiều bản sao của virus papilloma 18 ở người (HPV-18), một chủng virus nguy hiểm gây ung thư cổ tử cung. Phát hiện mở đường cho việc phát triển vaccine HPV nhiều thập kỷ sau. Hiện nay, vaccine HPV rất phổ biến, giúp tỷ lệ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ giảm 2/3. Tế bào HeLa còn được dùng để phát triển phương pháp điều trị làm chậm tốc độ phát triển của ung thư.
Một trong những ứng dụng sớm nhất của tế bào HeLa là phát triển vaccine bại liệt. Năm 1953, nhóm nghiên cứu đến từ bệnh viện Johns Hopkins nhận thấy tế bào HeLa là công cụ hiệu quả để phát triển lượng lớn virus bại liệt, giúp hiểu rõ hơn chúng lây sang tế bào và gây bệnh như thế nào. Nghiên cứu này sau đó được sử dụng trong phát triển vaccine bại liệt, giúp ngăn chặn khoảng 1,5 triệu ca tử vong ở trẻ em trên khắp thế giới từ năm 1988, theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch Mỹ.
Các nhà nghiên cứu sử dụng rộng rãi tế bào HeLa để tìm hiểu cơ chế mà virus HIV sử dụng để xâm nhập vào tế bào cũng như cách những loại thuốc khác nhau tương tác với virus. Dù giới khoa học chưa tìm ra cách điều trị phổ biến cho căn bệnh này, nghiên cứu trên tế bào HeLa cho phép phát triển thuốc hạn chế virus lây lan.
ADN bên trong tế bào con người được bịt bằng một đoạn ngắn vật liệu di truyền gọi là telomere. Telomere bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi bị rối hoặc cọ xát, nhưng chúng cũng trở nên ngắn hơn sau mỗi lần phân chia tế bào. Các nhà nghiên cứu cho rằng telomere đóng vai trò quan trọng trong lão hóa ở tế bào. Tế bào HeLa giữ vai trò trung tâm đối với phát hiện cấu trúc đó và mở rộng hiểu biết của con người về quá trình sinh học gây lão hóa. Năm 2009, Elizabeth Blackburn, Carol Greider và Jack Szostak đoạt giải Nobel Y sinh cho công trình trong lĩnh vực này.
Tế bào HeLa cũng gián tiếp tăng cường hiểu biết của con người về vũ trụ. Từ năm 1964, tế bào HeLa được đưa vào không gian để nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ và du hành không gian lên tế bào con người.
An Khang (Theo Newsweek)