Phát triển theo hướng bền vững là định hướng của Tập đoàn TCP thời gian qua. Trong chuyến làm việc tại Việt Nam mới đây, ông Saravoot Yoovidhya, CEO Tập đoàn TCP đã công bố định hướng mới "Tiếp năng lượng, bừng sức sống" cùng những cam kết cho sự phát triển bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể, trong giai đoạn năm 2022-2024, tập đoàn đến từ Thái Lan đặt mục tiêu trung hòa carbon trong tất cả hoạt động vận hành trước năm 2050, hướng đến sản xuất bao bì tái chế 100%, gia tăng hiệu quả sản xuất và giảm thiểu sử dụng nước, cung cấp nước cho môi trường và cộng đồng nhiều hơn.
Với các sản phẩm nước tăng lực chủ lực như Red Bull và Warrior, doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc thu gom, tái chế và tái sản xuất các sản phẩm đóng chai. Vì thế, doanh nghiệp đặt mục tiêu thiết kế và sản xuất bao bì có tái chế với con số chỉ tiêu 100%. Từ khâu sản xuất, đội ngũ R&D của tập đoàn tích cực nghiên cứu và cải tiến bao bì sản phẩm để đảm bảo các lon và chai đều có thể tái chế.
Không dừng ở khâu sản xuất, TCP thực hiện song song các hoạt động chung tay cùng cộng đồng để thu gom và tái chế các bao bì xả thải ra môi trường. Ngay sau khi công bố định hướng mới, đơn vị đã triển khai dự án hợp tác cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và tổ chức Vietcycle (VCC) xây dựng ý tưởng dự án thí điểm về việc thu gom, phân loại và tái chế bao bì, tuân thủ các quy định chi tiết về tỷ lệ và quy trình tái chế đối với mỗi sản phẩm theo mô hình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Dự án được thiết kế để thử nghiệm tính khả thi của mô hình từ việc thu gom, phân loại bao bì sản phẩm mà công ty đang sử dụng bao gồm lon nhôm, chai nhựa, và bìa carton. Sau đó, chuyển giao cho các doanh nghiệp tái chế chuyên nghiệp để thực hiện tái chế. Hoạt động này được kỳ vọng sẽ đáp ứng song song hai mục tiêu: gia tăng hiệu quả sản xuất đồng thời đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường với việc thu gom lại sản phẩm bao gồm cả bao bì, phù hợp với nghị định mới về EPR tại Việt Nam.
Dự án đặt mục tiêu thúc đẩy việc phân loại tại nguồn, tăng tỷ lệ thu gom tái chế tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Nghệ An, Bình Dương và thành phố Hà Nội.
Hướng đến một nền tảng vững chắc và lâu dài cho việc phân loại và tái chế rác thải, ngày 22/11, doanh nghiệp triển khai chương trình tập huấn "Quản lý và phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong khu công nghiệp" tại khu công nghiệp VSIP tại Nghệ An. Buổi tập huấn giúp phổ biến và nâng cao hiểu biết về lợi ích của việc phân loại rác thải nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.
Buổi tập huấn cũng cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn đến các cán bộ công nhân viên khu công nghiệp. Theo ông Nguyễn Thanh Huân, Tổng Giám đốc TCP Việt Nam: "Những hoạt động này chính là bước khởi đầu cho hàng loạt kế hoạch tiếp theo hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy thực hành EPR tại Việt Nam".
Thế Đan (Ảnh: TCP Việt Nam)