
Cảnh sát New York phong tỏa hiện trường nơi hai sĩ quan bị một tay súng bắn chết. Ảnh: Reuters
BBC cho hay hai sĩ quan thiệt mạng là Liu Wenjin và Raphael Ramos. Kẻ giết người là Ismaaiyl Brinsley, 28 tuổi.
Brinsley đã nã súng vào các cảnh sát từ phía ghế hành khách khi họ đang ngồi trên xe tuần tra. Sau đó, y bỏ chạy vào một ga tàu điện ngầm gần đó rồi tự bắn vào đầu mình.
Ủy viên cảnh sát New York Bill Bratton cho rằng, Wenjin và Ramos trở thành mục tiêu của tay súng vì mặc đồng phục cảnh sát. "Họ bị giết, không cảnh báo, không khiêu khích, họ đơn giản là bị ám sát", ông nói.
Trong khi đó, NBC dẫn một nguồn tin hành pháp cho biết Brinsley đang tìm cách trả thù cảnh sát sau khi đăng thông điệp đe dọa lên mạng xã hội.
Hiện cảnh sát đã phong tỏa hiện trường nơi xảy ra vụ nã súng. Ga tàu điện ngầm nơi Brinsley tự sát cũng tạm thời đóng cửa.
Vụ việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng, khi sự phẫn nộ lan rộng trong người dân địa phương vì các cảnh sát da trắng được miễn truy tố dù khiến hai người da màu không vũ trang thiệt mạng.
Phán quyết của tòa án đã làm dấy lên căng thẳng giữa cảnh sát và cộng đồng người Mỹ gốc Phi, dẫn đến làn sóng biểu tình ở New York và nhiều thành phố khác của Mỹ.
Mike Issac, một người dân ở đây, cho hay khu vực xảy ra nã súng là nơi có nhiều người gốc Phi sinh sống và vốn đã căng thẳng sau những vụ việc trên.
Đây là lần đầu tiên cảnh sát New York bị bắn chết kể từ năm 2011. Cục Điều tra Liên bang cho biết, có 76 nhân viên hành pháp Mỹ đã thiệt mạng khi làm nhiệm vụ hồi năm ngoái, giảm mạnh so với năm 2012.
Anh Ngọc