Bơm nước chống hạn. |
Ông Giang cho biết, mặc dù thời gian qua tại một số nơi đã có mưa, song lượng mưa không đáng kể. Trong khi đó, theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong những ngày sắp tới thời tiết sẽ tiếp tục nắng nóng. Nếu tháng 5 không có mưa thì Tây Nguyên sẽ hết sức nguy ngập.
Đăk Lăk là tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất với 40.000 ha cà phê bị hạn, trong đó 3.000 ha có nguy cơ mất trắng. Tổng thiệt hại của riêng tỉnh này là 293 tỷ đồng. Người dân đã phải đi lấy nước ở các lòng hồ, suối cách xa nơi ở nhiều cây số. Trong khi hầu hết các hồ, sông, suối đều bị cạn thì mực nước ngầm cũng giảm sút trầm trọng. Mực nước ngầm ở đây đã giảm 3-4 m so với trước.
Để giảm thấp nhất thiệt hại do hạn gây ra, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương lập kế hoạch cung cấp dụng cụ chứa, lọc nước, xây dựng trạm chứa tập trung cho nhân dân vùng thiếu nước nghiêm trọng. Ngoài ra, Bộ cũng đang xem xét đề nghị hỗ trợ khẩn cấp, trong đó, Đăk Lăk đề nghị hỗ trợ 15 tỷ đồng, Gia Lai và Kon Tum mỗi tỉnh đề nghị 5 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này trước mắt sẽ lo việc cứu đói, sau đó sẽ hỗ trợ giống, vốn.
Theo ông Giang, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ để có thể chung sống với hạn. Trong đó sẽ tập trung việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm bớt diện tích trồng ca phê, lúa, chuyển sang trồng các loại cây có thể chịu được hạn như ngô lai. Đồng thời, sẽ phải tiến hành đầu tư phát triển thuỷ lợi để nâng cao lượng nước toàn vùng. Hiện nay các địa phương đã thống nhất chuyển một số diện tích đất vùng trũng sang làm hồ trữ nước, xây dựng mới công trình thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu. "Chính phủ rất quyết tâm làm vấn đề này, thậm chí thiếu vốn cũng đã có phương án phát hành trái phiếu để xây dựng cơ sở hạ tầng. Riêng phần dành cho thủy lợi dự kiến ít nhất là 1.000 tỷ đồng", ông Giang nói.
(Theo Tuổi Trẻ)