Bơm nước chống hạn cho các cánh đồng ở Tây Nguyên. |
- Xin ông cho biết cụ thể về tình hình hạn hán ở Tây Nguyên qua chuyến khảo sát?
- Nghiêm trọng nhất là Đăk Lăk, tính đến 3/3, có 17.000 ha cà phê của 3 huyện Krông Ana, Krông Buk, Krông Năng bị hạn nặng, trong đó 16.000 ha giảm năng suất, còn lại mất trắng. Về rau màu, tổng số diện tích bị hại là 134 ha, trong đó 24 ha không cho thu hoạch. Về lúa, trong tổng số diện tích gieo cấy là 22.540 ha thì có 3.820 ha bị hạn. Tại Gia Lai, do đầu năm có một trận mưa lớn (37,5 mm) nên toàn tỉnh hiện chỉ có 95 ha lúa (trong tổng số 18.000 ha gieo cấy) thiếu nước, riêng diện tích cà phê chưa thấy dấu hiệu hạn. Diện tích hoa màu của Tỉnh Kon Tum cũng chưa bị thiệt hại do hạn.
Theo Trung tâm quốc gia dự báo khí tượng thuỷ văn, trong tháng 3-4 tới, tình hình hạn hán ở Tây Nguyên sẽ căng thẳng hơn. Dự báo, Đăk Lăk có thêm 1.500 ha, Gia Lai thêm 1.800, Kon Tum có 60 ha lúa sẽ bị ảnh hưởng.
- Bộ NN&PTNT đã có những biện pháp gì để đối phó với tình hình hạn hán hiện nay?
- Bộ chỉ đạo các địa phương cần tiết kiệm nước, tránh lãng phí; tổ chức điều hoà nguồn nước giữa các địa phương để hạn chế tranh chấp. Vừa qua, tôi đến Đăk Lăk thấy hiện tượng một số nơi người dân tự ý can thiệp vào cống thuỷ kênh nhằm đưa nước vào nhà mình, khiến những hộ dân ở xa nguồn bị thiếu nước. Kết quả là xảy ra tranh chấp, mất đoàn kết.
Các tỉnh cần đánh giá lại toàn bộ nguồn nước tại sông suối, ao hồ đập và cả nước ngầm để tính toán cân bằng giữa nguồn nước và nhu cầu; rà soát lại diện tích bị hạn hán, xem chỗ nào cần nhiều nước để có thể điều phối; tiếp tục huy động toàn bộ máy bơm nhằm khai thác tất cả nguồn nước.
Ngoài ra, bà con cần bổ sung thêm một số biện pháp nông nghiệp nhằm chống hạn như rải nylon trên mặt đất, phủ rơm rạ trên các gốc cây để hạn chế quá trình bốc hơi nước.
- Đó là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài theo ông cần làm gì?
- Các tỉnh hay bị hạn cần tiếp tục khoanh vùng có khó khăn về nước để bố trí cây trồng hợp lý. Tỉnh Gia Lai đã làm rất tốt, họ cương quyết chuyển một phần diện tích lúa sang trồng cây công nghiệp và rau màu. Đăk Lăk làm việc này hơi đuối, tỉnh chỉ đạo chỉ cấy 20.000 ha lúa vì một số vùng cuối kênh hay bị hạn, nhưng do giá lúa cao và cũng do tập quán canh tác nên bà con vẫn cấy đến 22.450 ha.
Mặt khác, theo tôi cần tiếp túc đầu tư làm thuỷ lợi, xây dựng thêm hồ chứa. Kỹ thuật tưới cũng phải được thay đổi theo hướng tiết kiệm nước. Thay vì áp dụng phương pháp đưa vòi vào gốc cây cà phê như bà con ở Tây Nguyên vẫn làm thì ta nên dùng cách tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa.
Và một điều quan trọng là cần củng cố đội thuỷ nông cơ sở. Hiện nay đội ngũ này rất yếu, tổ chức lỏng lẻo, không đảm bảo điều tiết nước hợp lý giữa các cánh đồng, các địa phương nên để xảy ra tranh chấp.
- Thực tế có công trình thuỷ lợi mất rất nhiều tiền đầu tư, nhưng không phát huy tác dụng, nguyên nhân do đâu?
- Hiện nay các công trình thuỷ lợi của Việt Nam đều xây dựng theo tiêu chuẩn đảm bảo 75% nhu cầu (ở các nước tiên tiến, tỷ lệ này cao hơn, lên đến 80-90%). Hiểu nôm na là công trình được thiết kế có tuổi thọ 100 năm thì chỉ 75 năm hoạt động tốt, cung ứng đủ nước tưới tiêu, còn lại 25 năm không đảm bảo yêu cầu. Nếu hạn xảy ra đúng vào những năm công trình không đảm bảo thì mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều.
Thứ hai, mức đầu tư của nhà nước cho các công trình hiện nay còn thấp. Bộ NN&PTNT đã báo cáo năm 2003 cần 2.326 tỷ đồng cho việc đầu tư xây mới và duy tu, bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi. Nhưng theo thông báo thì năm nay nhà nước chỉ dành hơn 800 tỷ đồng, tức là chỉ được 1/3.
Hầu hết công trình thuỷ lợi của ta do những doanh nghiệp công ích quản lý, đầu vào (bao gồm điện nước, xăng dầu, xi măng, sắt thép...) được tính theo giá thị trường, nhưng đầu ra (thuỷ lợi phí) lại bị nhà nước khống chế ở mức rất thấp. Vì thế hầu hết doanh nghiệp rơi vào tình trạng thu không đủ chi. Để đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động bình thường thì theo quy định của Chính phủ, ngân sách nhà nước phải cấp bù vào khoản thiếu hụt. Nhưng rất tiếc do ngân sách ở địa phương khó khăn nên số doanh nghiệp được cấp bù đúng và đủ quá hiếm hoi. Vì thế, họ chỉ trả những khoản không đừng được như lương cho công nhân viên, tiền điện, còn khoản đầu tư duy tu các công trình bị cắt xén, thậm chí bị lờ đi. Đây chính là nguyên nhân khiến công trình thuỷ lợi xuống cấp, năng lực phục vụ kém.
Như Trang thực hiện