Nhà trường vội kêu cứu xã, xã mời huyện xuống và phát hiện ra trường hỏng là do đất nứt. Giáo viên lập tức được huy động khiêng vác bàn ghế, bảng đen chuyển sang hội trường các thôn buôn lân cận cho 300 học sinh sơ tán. Đến nay, toàn bộ phòng ốc trụ sở của trường đều có dấu hiệu rạn vỡ, 8 lớp học mới xây xong cũng bị nứt.
Theo cán bộ Sở Khoa học Công nghệ - Môi trường, dân các huyện thành của tỉnh Đăk Lăk bắt đầu kêu cứu về nạn đất nứt từ năm 1992. Khi đó, một vết nứt không đo được độ sâu dài mấy trăm mét xuất hiện trên địa bàn huyện Đăk Rlấp làm một đoạn đường trọng yếu bị sụt thấp 0,5 m, gây ách tắc giao thông. Sau đó là một vết nứt xuất hiện vào năm 1993 kéo dài từ huyện Krông Ana đến huyện Krông Păk. Năm 1999, đất nứt nghiêm trọng hơn, làm sạt lở nửa quả đồi ở huyện Đăk Nông, đất trôi suýt vùi một ngôi nhà dưới chân đồi may mà người trong nhà thoát nạn.
Lãnh đạo Sở khẳng định, việc phá rừng và khai thác nước ngầm bừa bãi là một trong những nguyên nhân khiến nứt, trượt đất. Vào thời điểm có mưa nhiều, một lượng nước lớn không được rừng điều tiết thẩm thấu đột ngột xuống tầng đất trên khiến tầng này bị trượt. Ngoài ra, một số gia đình khoan giếng lấy nước tưới cà phê, nhưng khoan quá sâu khiến nước mạch tầng trên bị hút hết xuống tầng dưới, làm giếng trong cả vùng khô cạn.
Trước tình hình trên, Nhà nước đã giao cho Liên đoàn Địa chất Thuỷ văn miền Trung tiến hành nghiên cứu địa bàn Tây Nguyên. Mục tiêu là để tìm ra nguyên nhân chính xác và biện pháp phòng chống được nạn nứt đất, để người dân Tây Nguyên có thể chủ động hạn chế được mọi tổn thất ở mức thấp nhất.
(Theo Tiền phong)