Đợt dịch thứ 4, tại 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ đã ghi nhận 35.113 ca nhiễm, chiếm 6,1% số ca cả nước và chiếm 6,6% số ca 19 tỉnh miền Nam. Riêng số ca của 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đã bằng tổng số ca 10 tỉnh còn lại. Thông tin được đưa ra tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19 của 12 tỉnh Tây Nam Bộ do Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì, ngày 10/9.
Về xu hướng ghi nhận ca nhiễm trong 7 ngày qua, 6 tỉnh dưới 20 ca/ngày, 3 tỉnh xu hướng giảm, 3 tỉnh ghi nhận không giảm. Trong đó, Kiên Giang ghi nhận số nhiễm trong ngày cao nhất, 100-200 ca/ngày.
"Trong 7 ngày qua, số nhiễm trong khu phong tỏa tại 12 tỉnh chiếm 22%, trong khu cách ly chiếm 42%. Các tỉnh cần rà soát lại, bắt tay ngay vào chống dịch với các giải pháp căn cơ trong khu vực phong tỏa, cách ly", Thứ trưởng Tuyên yêu cầu.
Các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương giãn cách, không để tình trạng giãn cách kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Đồng thời, các địa phương chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.
Thứ trưởng yêu cầu các địa phương triển khai chiến lược xét nghiệm để "bắt" ngay trường hợp chuẩn bị lây nhiễm, đặc biệt trong các khu cách ly, tránh làm tràn lan, lãng phí. Công tác điều trị vẫn triển khai theo phương án 3 tầng, trong đó đặc biệt lưu tâm đặc biệt tầng điều trị 1 và 2, tránh để bệnh nhân chuyển nặng phải lên tầng 3. Các khu công nghiệp thực hiện "2 điểm đến 1 cung đường", xét nghiệm sàng lọc kỹ công nhân, người lao động.
Các địa phương xây dựng phương án thực hiện cách ly F1, F0 tại nhà, triển khai kế hoạch thực hiện bình thường mới, không để dịch bùng phát trở lại.
Đến ngày 7/9, 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ đã tiêm 2.501.950 liều vaccine (100% số vaccine được phân bổ qua 31 đợt), trong đó đã tiêm được 2.108.109 liều mũi 1 và 393.841 liều mũi 2. B tỉnh được phân bổ số lượng vaccine nhiều nhất là Kiên Giang, Đồng Tháp và Tiền Giang.