Nhiều dự án quy mô lớn tại miền Tây
Những năm qua, dòng vốn đầu tư bất động sản có xu hướng dịch chuyển sang vùng ven các thành phố lớn và những địa phương chưa được nhiều đơn vị khai thác. Các tỉnh thành kết nối tốt với TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long... bắt đầu hình thành nhiều dự án bất động sản quy mô lớn nhỏ, từ khu phức hợp, căn hộ, nhà phố cho đến đất nền.
Tháng 5 vừa qua, LDG Group giới thiệu dự án nhà phố xây sẵn Thành Đô tại Ô Môn, Cần Thơ với vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng. Cùng tháng, LinkHouse ra mắt khu đất nền Vạn Phát Residence tại Cái Tắc, Hậu Giang. Mới đây nhất, TNR Holdings Việt Nam "trình làng" dự án đất nền TNR Stars Thoại Sơn quy mô đến 11,29ha tại Thoại Sơn, An Giang.
Các doanh nghiệp môi giới địa ốc cũng đưa miền Tây vào tầm ngắm. Mới đây, Đất Xanh thành lập thêm công ty thành viên chuyên phụ trách thị trường Tây Nam Bộ. Đại diện đơn vị này nhận định khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được ví như vùng đất của "chín con rồng còn đang ngủ đông", mang trong mình nhiều lợi thế, đang là mục tiêu để các nhà đầu tư săn đón.
Ông Nguyễn Đăng Phương, đại diện TNR Holdings Việt Nam cho biết, với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và bề dày văn hóa - lịch sử, An Giang sở hữu nhiều tiềm năng phát triển bất động sản. Đồng thời, hạ tầng phát triển, kết nối giao thông thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy giá trị bất động sản An Giang. Đó cũng là lý do doanh nghiệp chọn địa phương này phát triển dự án, tiên phong đón đầu nhu cầu đầu tư lẫn an cư của khách hàng tại An Giang cũng như từ TP HCM.
"Chúng tôi muốn đi tắt đón đầu xu hướng phát triển của bất động sản miền Tây trong tương lai. Những thị trường còn ở giai đoạn sơ khai và nhiều tiềm năng sẽ là 'mảnh đất' màu mỡ cho các nhà đầu tư nhanh nhạy", ông Nguyễn Đăng Phương khẳng định.
Ông Nguyễn Trần Vinh Quang - Tổng giám đốc Đất Xanh An Giang cho biết, trong hai năm trở lại đây, số lượng khách hàng quan tâm đến bất động sản miền Tây gia tăng nhanh chóng. Hiện lượng cung dự án không đủ đáp ứng nhu cầu.
"Người mua chủ yếu mua để ở, họ đến từ Long Xuyên, Thoại Sơn, Châu Đốc, các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang. Có cả người mua từ TP HCM", ông Quang nói.
Theo đại diện đơn vị môi giới, khách hàng quan tâm trước nhất về giá cả, sau đó đến vị trí, diện tích và các tiện ích đi kèm. Sự hỗ trợ về tài chính từ ngân hàng cũng là yếu tố quyết định đối với người mua.
Động lực từ chính sách và hạ tầng
Giới quan sát cho rằng, sự nhộn nhịp của thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đến từ động lực chính sách và hạ tầng phát triển. Tại Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân bổ 45.000 tỷ đồng (tương đương hai tỷ USD) cho khu vực này trong 5 năm tới. Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, sắp tới tập trung hoàn thành các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đã được bố trí vốn.
Ở đường bộ, các tuyến quốc lộ, cao tốc trục dọc, trục ngang sẽ xây dựng hoàn chỉnh để kết nối TP HCM với miền Tây, bao gồm: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu... và nâng cấp các tuyến Quốc lộ 30, 53, 54, 57, 61.
Bộ Giao thông sẽ hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 tại TP HCM, kết nối thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án phát triển hành lang đường thủy và logictics khu vực phía Nam bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới dự kiến sẽ khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2025.
Với đường hàng không, dự kiến nghiên cứu nâng cấp công suất sân bay quốc tế Phú Quốc, khuyến khích các hãng hàng không mở thêm đường bay mới kết nối sân bay Cần Thơ với các tỉnh thành khác.
Tính chung trong giai đoạn 2017-2020, có đến 11 dự án đường bộ cao tốc đã và dự kiến hoàn thành với tổng chiều dài 654km từ Bắc đến Nam. Đây là những công trình trọng điểm góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa tại các tỉnh thành miền Tây và tạo cơ hội thu hút đầu tư bất động sản vào khu vực này.
Trước đó, cầu Vàm Cống thông xe vào tháng 5 vừa qua, đã mang lại niềm vui cho người dân và doanh nghiệp tại các tỉnh miền Tây. Đây là công trình trọng điểm trong dự án kết nối Đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện giao thương thuận lợi giữa các tỉnh miền Tây và TP HCM.
Mặt khác, giữa lúc quỹ đất tại đô thị lớn hạn chế, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chú trọng đến các thị trường tiềm năng ngoài TP HCM nhằm tranh thủ thời điểm chưa có nhiều đơn vị khai thác, chi phí đất còn thấp và tiềm năng dồi dào.
Nhiều người mua đánh giá tích cực về sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng kỹ thuật trong thời gian qua, nhất là hệ thống giao thông kết nối miền Tây với TP HCM.
"Hạ tầng phát triển là tín hiệu tốt trong đầu tư bất động sản. Chúng tôi dự đoán trong thời gian tới dòng tiền sẽ chuyển dịch về Tây Nam Bộ nhiều hơn nữa để tìm dự án tốt đầu tư", đại diện Đất Xanh An Giang nhận xét.
Nam Anh