Trả lời:
Tác dụng chữa sán của hạt bí đỏ (bí ngô) tuy không mạnh bằng dương xỉ đực nhưng không gây độc đối với cơ thể. Thường chiều hôm trước ngày uống thuốc, bệnh nhân thụt hoặc uống thuốc tẩy muối nhẹ (magiê sunfat). Hạt bí ngô có thể uống 1 trong 2 cách sau đây:
- Bóc hết vỏ cứng của hạt bí ngô, để nguyên màng xanh ở trong. Người lớn dùng 100 g nhân, giã nhỏ trong cối, có thể dùng 50-60 ml nước để tráng sạch cối, thêm vào 50-100 g mật hay xi-rô hoặc đường và trộn đều. Bệnh nhân ăn vào lúc đói, hết cả liều này trong vòng 1 giờ, nằm nghỉ, 3 giờ sau uống thuốc tẩy muối, đi ngoài trong một chậu nước ấm. Trẻ con 3-4 tuổi ăn 30 g, 5-7 tuổi ăn 50 g, 7-10 tuổi ăn 75 g.
- Hạt bí ngô để cả vỏ cứng giã hay xay nhỏ bằng cối xay thịt, thêm hai thể tích nước và đun lửa nhẹ hoặc đun cách thủy trong 2 giờ, lọc qua gạc. Hớt bỏ lớp dầu ở trên mặt. Có thể thêm đường. Uống hết trong vòng 20-30 phút vào lúc đói (hôm trước đã tẩy hay thụt) 2 giờ sau khi uống hết, uống một liều thuốc tẩy muối. Người lớn uống 300 g hạt để cả vỏ, trẻ con dưới 5 tuổi 50-70 g, 5-7 tuổi 100 g, 7-10 tuổi 150 g (theo cách làm đã nêu).
Có thể uống phối hợp với nước sắc hạt cau. Nước sắc hạt cau làm tê liệt sán bò và sán lợn nhưng chỉ mạnh đối với đầu con sán và những đốt chưa thành thục; trong khi hạt bí ngô làm tê liệt khúc giữa và khúc đuôi con sán. Cách dùng: Sáng sớm lúc đói bụng ăn 60-120 g hạt bí ngô (tính cả vỏ). Hai giờ sau uống nước sắc hạt cau (trẻ con 10 tuổi trở xuống uống 30 g, phụ nữ và đàn ông gầy nhỏ uống 50-60 g, người to mập 80 g). Nửa giờ sau khi uống hạt cau sẽ uống một liều thuốc tẩy (30 g magiê sunfat). Nằm nghỉ, đợi thật buồn đi ngoài, đi vào một chậu nước ấm, nhúng cả mông vào.
GS. Đỗ Tất Lợi, Sức Khỏe & Đời Sống