Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) là một nhà nho, một chí sĩ yêu nước, đồng thời là nhà thơ nổi tiếng nửa cuối thế kỷ 19. Ông hiệu là Nghi Chi, quê ở thôn Bình Thuỷ, huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ).
Bùi Hữu Nghĩa xuất thân trong một gia đình nghèo, cha làm nghề chài lưới. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra thông minh, hiếu học.
Năm Ất Mùi 1835, Bùi Hữu Nghĩa đỗ thủ khoa kỳ thi Hương ở trường Gia Định. Sau đó ông được triều đình bổ nhiệm vào các chức vụ: Tri huyện Phước Chánh (thuộc phủ Phước Long, tỉnh Biên Hoà); Trấn phủ Trà Vang (Trà Vinh), tỉnh Long Hồ; Thủ ngự sau đó làm Quản cơ đồn Vĩnh Thông (Châu Đốc).
Năm 1858, khi Pháp xâm lược Việt Nam, ông cáo quan về quê mở trường dạy học, làm thơ, bốc thuốc, lấy hiệu "Liễu tâm chủ nhân".
Ngưỡng mộ công đức của Bùi Hữu Nghĩa, nhân dân trong vùng đã lập thần chủ, bài vị tôn thờ vợ chồng ông ở đình Bình Thủy và chùa Nam Nhã. Hàng năm, người dân tổ chức lễ giỗ ông vào ngày 21/1 âm lịch.