Iker Casilllas đứng một mình, cạnh băng ghế dành cho các cầu thủ dự bị, và chứng kiến các đồng đội bất lực hoàn toàn trước đội tuyển Italy. Điểm sáng duy nhất bên phía Tây Ban Nha là David de Gea, người thay thế Casillas để trở thành thủ môn chính thức của nhà vô địch Euro 2012 tại giải lần này.
Casillas và De Gea đều sinh ở Madrid, nhưng số phận của hai anh khác xa vời vợi. Trên con đường giành vị trí chính thức ở cả Real Madrid lẫn Tây Ban Nha, các đối thủ của Casillas cứ lần lượt chấn thương. Anh đi liền với những năm tháng đẹp nhất của bóng đá quê nhà. Anh vô địch La Liga và Champions League. Anh đeo băng thủ quân của một Tây Ban Nha thống trị bóng đá thế giới hơn nửa thập kỷ, với một chức vô địch World Cup và hai chức vô địch Euro. Anh được tôn vinh là "Thánh", là biểu tượng của đội bóng Hoàng gia lẫn đội tuyển quốc gia suốt một thời gian dài.
Còn David de Gea? Anh lên đội một Atletico khi CLB đang trong thời kỳ hỗn mang và chưa được khai sáng bởi Diego Simeone. Anh sang Man Utd khi CLB đã đi hết một hành trình vinh quang cùng Alex Ferguson. Đến khi lấy được vị trí chính thức của Casillas, đội tuyển Tây Ban Nha lại rơi vào giai đoạn thoái trào. Sự xuất sắc của De Gea ở Man Utd mùa trước và ở Tây Ban Nha giải này chỉ càng làm cho sự sa sút của hai màu áo đỏ mà anh bảo vệ trở nên thảm hại.
Kết thúc thất bại bạc nhược trước Italy, Casillas vào sân, bắt tay người quen cũ Gianluigi Buffon. Trong suốt những năm tháng đỉnh cao, Italy chỉ buộc Tây Ban Nha phải đổ mồ hôi. Nhưng hôm qua, họ đã khiến đối thủ phải khóc. Từ Euro 2008 đến Euro 2016, nếu chiến thắng trước Italy ở tứ kết trên đất Áo mở ra một kỷ nguyên thống trị thì thất bại trước chính đối thủ này ở Pháp đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên ấy.
Lối chơi kiểm soát bóng mà không có một máy đếm nhịp như Xavi, một chân sút thượng thặng như David Villa rốt cục chỉ là... võ vẽ. Lần đầu tiên kể từ năm 1994 Italy đánh bại được Tây Ban Nha trong một trận đấu chính thức. Nhưng đấy là một thắng lợi ngọt ngào. Khi Tây Ban Nha còn đang cố gượng dậy sau thất bại tủi hổ ở World Cup 2014, Italy đã tung ra một cú đấm chí mạng. Tây Ban Nha không phải chỉ thua vì hai bàn của Giorgio Chiellini và Graziano Pelle. Họ thua toàn diện về lối chơi, chiến thuật và cả sự quyết tâm. Khi Gianluigi Buffon gầm lên sau một pha cản phá, khi Antonio Conte sút quả bóng với tất cả lực chân bên đường biên, người ta nhìn thấy rõ một Italy đang khao khát phục sinh, trái hẳn với một Tây Ban Nha đã cạn kiệt ý tưởng và mất hẳn nhuệ khí chiến đấu.
Thế hệ hiện tại của Tây Ban Nha không hề kém, họ vẫn có đủ tiềm lực để xưng bá trong tương lai. Nhưng nếu cựu vương cứ mãi ôm ấp những hào quang đã cũ, vẫn chơi thứ bóng đá kiểm soát rườm rà và chậm chạp, ngày trở lại ngai vàng e còn xa tít tắp. Từ phút thứ 65 đến phút thứ 80, Tây Ban Nha cầm bóng đến 75%, nhưng Buffon gần như không cảm nhận thấy áp lực. Trái lại, chính khung thành của De Gea mới chịu nhiều sức ép bởi ngay khi đoạt được bóng, Italy lập tức mở ngay một đợt phản công nguy hiểm.
Sự thất bại của Bayern ở Champions League trong ba năm dưới triều đại của Pep Guardiola cho thấy thời của tiki-taka thật sự đã xa. Trong năm cuối ở Munich, Pep cho Bayern lật cánh đánh đầu nhiều hơn bất kỳ đội bóng mạnh nào ở châu Âu. Khi Barcelona vươn đến cú ăn ba dưới thời Luis Enrique, đấy là một lối chơi phản lại hoàn toàn với tiki-taka.
Nếu tiki-taka đã giúp Tây Ban Nha trở thành một gã khổng lồ của bóng đá thế giới thì bây giờ nó đang trở thành trở lực cho sự hồi sinh. Hai lần gục ngã trước Chile và Hà Lan ở World Cup 2014, rồi thất bại trước Italy tại Euro 2016 có điểm gì chung? Đó là cả ba đội bóng đều nhượng lại quyền cầm bóng cho Tây Ban Nha, cả ba đều chuyển từ phòng ngự sang phản công cực nhanh và cả ba đều chơi với sơ đồ gồm ba trung vệ. Tức là trong lúc các đối thủ đã thay đổi để khắc chế Tây Ban Nha, cựu vương vẫn ở đó, như gã quý tộc hết thời Don Quixote lao vào đánh nhau với cối xay gió vì ảo tưởng mình là một võ sĩ thiện chiến đang khoác áo bào và cưỡi trên con chiến mã.
Tác phẩm vĩ đại của Miguel de Cervantes ấy là niềm tự hào của người Tây Ban Nha, như tranh của danh họa Salvador Dali vậy. Ở đó có những chiếc đồng hồ tan chảy như một thứ chất lỏng, nhắc nhở rằng thời gian có thể xói mòn mọi giá trị ngỡ như vĩnh cửu.
Bài học thật ra chẳng đâu xa, và triết lý thật ra không có gì cao vời.
Hoài Thương