Vieira một lần nữa lại là cứu tinh của đội tuyển Pháp. Ảnh: AFP |
Với Tây Ban Nha, một lần nữa World Cup lại là nỗi ám ảnh truyền kiếp. Một đội hình trẻ trung, giàu tài năng phải thi đấu bằng sở đoản, nghĩa là chơi thận trọng và rình rập những cơ hội từ trên trời rơi xuống, đã không thể tránh được cái dớp thất bại của lứa đàn anh. Phải chăng áp lực chiến thắng đã buộc HLV Aragones từ bỏ lối chơi quyến rũ mà đội bóng của ông thể hiện ở vòng bảng? Rõ ràng, nhà hiền triết xứ Hortaleza đã kém minh mẫn khi bước ra sân chơi lớn.
Kết quả |
Brazil - Ghana 3-0 Tây Ban Nha - Pháp 1-3 |
Một lần nữa, Vieira lại gánh vai trò người hùng của đội Pháp. Chính anh là người chọc khe cực kỳ thông minh cho Ribery băng xuống, lừa bóng qua thủ thành Casillas và ghi bàn gỡ hòa 1-1 vài phút trước lúc kết thúc hiệp đấu đầu tiên. Phút 83, đích thân Vieira đánh đầu cận thành nâng tỷ số lên 2-1. Cũng lại chính anh là người cướp bóng, phát động cuộc tấn công dẫn đến pha ghi bàn ấn định kết quả 3-1 của Zidane ở phút cuối.
Bên cạnh ngôi sao sáng Vieira, Henry, vua phá lưới giải Ngoại hạng, để lại dấu ấn theo cách riêng của mình. Sau vô số lần dính bẫy việt vị, chính Henry đã tạo ra bước ngoặt của trận đấu. Thay vì những bước sải tốc vượt qua hậu vệ đối phương, "Đứa con của gió" lại sử dụng tốc độ để dựng nên một màn ăn vạ sống sượng. Áp sát Puyol từ phía sau, Henry dùng vai hích vào lưng đối thủ để rồi... ôm mặt và ngã lăn ra sân ở phút 83. Thẻ vàng cho Puyol và quả phạt cho đội Pháp. Vieira đã đánh đầu cận thành ghi bàn từ chính từ quả đá phạt do Zidane thực hiện. Không hiểu khán giả Pháp nghĩ gì. Hậu duệ của Raymond Kopa, của Michel Platini mà lại giành chiến thắng bất chấp thủ đoạn sao? Chả nhẽ cái thời của đội bóng với lối chơi bóng mê hoặc từng giành vị trí thứ ba thế giới năm 1958 và 1986 đã xa đến thế ư?
Màn trình diễn tồi của hai đại gia
Không chỉ có Henry, trong trận đấu hôm qua, những ngôi sao một thời đều không thể đảm nhiệm vai của mình. Zidane bất lực, trừ giây phút lóe sáng khi lừa qua Puyol và ghi bàn ấn định tỷ số. Raul bên Tây Ban Nha hoàn toàn mất hút trên sân. Thuram thì mắc sai lầm khá ngớ ngẩn với một hậu vệ nhiều năm chinh chiến ở Serie A như anh: Dẫm chân từ phía sau, tạo điều kiện cho Pablo Ibanez ngã trong vòng 16m50. Và David Villa không bỏ lỡ cơ hội phá vỡ thế tắc nghẽn của trận đấu từ chấm phạt đền ở phút 28.
Nhưng khi một vở kịch không thành công, người chịu trách nhiệm trước tiên chính là đạo diễn. Trận đấu giữa Pháp và Tây Ban Nha cũng thế, hai HLV phải xin lỗi khán giả về việc đã sắp xếp một đội hình thi đấu quá ư thận trọng. Domenech thì vẫn thế. Sau trận thắng này, hẳn ông ta càng có lý do để khư khư ôm lấy quan điểm bảo thủ của mình. Bất chấp màn trình diễn sống động trước Togo, Domenech vẫn trở lại với đội hình mà ở đó Henry buộc phải đá trung phong cắm. Hậu quả là sau gần 90 phút, tiền đạo của Arsenal chỉ để lại dấu ấn qua rất nhiều lần dính bẫy việt vị và màn ăn vạ dẫn tới bàn thắng then chốt của Vieira.
Ngạc nhiên hơn, lão luyện như Aragones cũng lựa chọn một đấu pháp thiên về phòng ngự trước đối thủ bị đánh giá là yếu hơn về mặt thể lực. Ông tung tới 3 tiền đạo vào sân nhưng Raul thì lùi rất sâu, Torres dạt sang trái, còn Villa thì lẻ loi ở tuyến trên. Sự kỳ vọng về một cuộc so tài thú vị ở giữa sân với hàng tiền vệ rất mạnh của cả hai bên đã không diễn ra. Bộ ba Alonso, Xavi và Fabregas hoàn toàn chuyên chú với vai trò thu hồi bóng và không có nổi một đường chuyền ra hồn. Quả thật, Aragones chỉ là nhà hiền triết của xứ Hortaleza mà thôi.
Từ bỏ thế mạnh về sức trẻ, Aragones đành thúc thủ nhìn các học trò thất bại trước kinh nghiệm dày dạn của đối thủ. Nhưng liệu cỗ xe mà Domenech cầm lái có thể đi xa đến đâu khi mà trước mặt đã là Brazil. Hàng phòng ngự chặt chẽ nhưng đã để lộ yếu điểm với sự xuống sức của Thuram sẽ đứng vững được bao lâu vững trước sự tinh quái của Ronaldo và tốc độ càn lướt của Adriano? Và liệu Vieira có tiếp tục ghi bàn một khi Domenech tiếp tục sơ đồ chiến thuật kiểu "chấp" tiền đạo ở trận đấu tới? Sau 20 năm, Pháp và Brazil một lần nữa gặp lại nhau ở tứ kết World Cup. Nhưng sau những gì mà cả hai đội thể hiện ở cả vòng bảng lẫn lượt đấu vừa qua, điều duy nhất mà người hâm mộ chờ đợi ở cuộc đối đầu ngày 2/7 tới là đội nào sẽ vào bán kết.
Zidane chơi mờ nhạt nhưng vẫn có bàn thắng đầu tiên tại giải. Ảnh: AFP |
Đội hình:
Tây Ban Nha: Casillas, Pablo, Puyol, Sergio Ramos, Pernia, Fabregas, Xavi (Senna 72), Alonso, Villa (Joaquin 54), Torres, Raul (Luis Garcia 54).
Dự bị không sử dụng: Salgado, Marchena, Albelda, Reyes, Antonio Lopez, Iniesta, Canizares, Juanito, Reina.
Bàn thắng: Villa 28' pen.
Pháp: Barthez, Sagnol, Thuram, Gallas, Abidal, Ribery, Zidane, Makelele, Vieira, Malouda (Govou 74), Henry (Wiltord 88).
Dự bị không sử dụng: Landreau, Boumsong, Dhorasoo, Silvestre, Saha, Givet, Diarra, Trezeguet, Chimbonda, Coupet.
Bàn thắng: Ribery 41, Vieira 83, Zidane 90.
Cầu thủ hay nhất trận: Patrick Vieira.
Tứ kết
Ngày | Giờ | Địa điểm | Trận | Kết quả |
30-6-2006 | 22h00 | Berlin | Đức - Argentina (A) | |
1-7-2006 | 02h00 | Hamburg | Italy - Ukraina (B) | |
22h00 | Gelsenkirchen | Anh - Bồ Đào Nha (C) | ||
2-7-2006 | 02h00 | Frankfurf | Brazil - Pháp (D) |
Bán kết
Ngày | Giờ | Địa điểm | Trận | Kết quả |
5-7-2006 | 02h00 | Dortmund | Thắng trận A - Thắng trận B | |
6-7-2006 | 02h00 | Munich | Thắng trận C - Thắng trận D |
Nguyên Thành