Số người thiệt mạng trong đợt sóng nhiệt kéo dài 10 ngày được Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đưa ra hôm 20/7, dựa trên thống kê do Viện Y tế Carlos III công bố hai ngày trước đó.
"Tôi kêu gọi người dân hết sức thận trọng", ông Sanches nói, lưu ý "tình trạng khí hậu khẩn cấp là một thực tế".
Thống kê do Viện Y tế Carlos III cung cấp được thực hiện bằng cách ước tính số trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng năm nay dựa trên số người chết cao hơn so với trung bình các năm trước. Viện nghiên cứu này nhấn mạnh số liệu đó chỉ là ước tính thống kê, không phải con số chính thức.
Giai đoạn từ ngày 9 đến 18/7 "là đợt nắng nóng dữ dội thứ ba tính theo phạm vi ảnh hưởng và thời gian kéo dài" kể từ năm 1975, theo người phát ngôn cơ quan khí tượng Tây Ban Nha AEMET Beatriz Hervella. Tây Ban Nha tháng 7/2015 hứng chịu đợt nắng nóng trong 26 ngày, còn đợt sóng nhiệt tháng 8/2003 kéo dài 16 ngày.
Tây Ban Nha cùng nhiều nước châu Âu vừa trải qua đợt sóng nhiệt khốc liệt, đẩy nhiệt độ tại một số khu vực lên tới 45 độ C trong tuần trước, gây ra hàng loạt vụ cháy rừng.
Lính cứu hỏa Hy Lạp đang dần kiểm soát đám cháy rừng ở vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Athens đã hoành hành hai ngày qua. Tại Pháp, hai đám cháy rừng ở gần thành phố miền tây nam Bordeaux cũng đã được khống chế.
Giới chức Bồ Đào Nha thông báo về hơn 1.000 trường hợp tử vong liên quan nắng nóng, nhưng Viện Y tế Carlos III cho rằng con số chỉ là 510. Anh ngày 19/7 cũng lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận mức nhiệt vượt 40 độ C.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tin rằng đợt nắng nóng ở châu Âu đã đạt đỉnh nhưng nhiệt độ có thể duy trì trên mức trung bình thêm một tuần nữa.
"Câu hỏi mọi người đang đặt ra là 'khi nào tình trạng này kết thúc?'", Robert Stefanski, giám đốc dịch vụ khí hậu ứng dụng tại WMO, nói. "Thật không may, sau khi xem xét mô hình từ các đối tác, ở cấp quốc gia và khu vực, nắng nóng còn kéo dài ít nhất đến giữa tuần sau".
Như Tâm (Theo AFP, ABC News)