Không còn gì nghi ngờ về việc Tây Ban Nha là đội bóng thành công nhất mọi thời đại khi họ đoạt được ba danh hiệu lớn liên tiếp, một chức vô địch World Cup xen giữa hai chức vô địch Euro. Tuy nhiên, danh hiệu không hoàn toàn chứng minh được sức mạnh của một đội bóng. Hãy cùng điểm lại những đội tuyển được đánh giá là mạnh nhất qua mọi thời đại của bóng đá để có sự so sánh tổng quan về vấn đề này.
Đội tuyển Brazil năm 1970
Chưa có một đội bóng nào có thể giành danh hiệu World Cup một cách thuyết phục hơn Brazil vào năm 1970. Đội bóng của Mario Zagalo không cho các đối thủ bất cứ sự chống trả nào khi ghi tới 19 bàn chỉ sau 6 trận đấu, trong đó có trận thắng hủy diệt Italy 4-1 ở chung kết.
Ở hàng tiền vệ và tiền đạo, Brazil sở hữu những cá nhân xuất chúng. Gerson đá vị trí trung tâm cùng Clodoaldo. Với Rivelino, người được xem là cầu thủ chạy cánh trái hay nhất trong các kỳ World Cup cùng với Jairzinho, người duy nhất cho tới nay ghi bàn ở tất cả các vòng trong một giải vô địch thế giới ở cánh đối diện. Trên hàng công là Tostao và dĩ nhiên không thể quên Pele, người sau này được tôn là vua bóng đá. Sáu cầu thủ này thực sự là cơn ác mộng với các đội bóng khác ở World Cup 1970.
Nhưng điều khiến Brazil ở thời điểm này được đánh giá cao là bởi khi đó họ đang phải sống cùng những đội tuyển rất mạnh. Italy, Tây Đức, và Anh đều đang sở hữu dàn cầu thủ đẳng cấp thế giới. Ngoài ra còn phải kể đến hai đối thủ khó chịu khi đó ở Nam Mỹ là Peru và Uruguay. Chỉ trừ có Tây Đức, Brazil đã lần lượt vượt qua tất cả những đội bóng này để bước lên ngôi vô địch tại Mexico 1970.
Mặc dù rất thành công ở giải đấu năm đó nhưng Brazil lại thiếu đi những danh hiệu khi họ không thể vô địch Copa America từ năm 1967 – 75 và không bảo vệ được ngôi vương ở World Cup 1974. Đội hình năm 1970 của Brazil có thể là mạnh nhất trong một giải đấu nhưng không có sự duy trì đủ lâu để có thể được công nhận là đội bóng mạnh nhất lịch sử.
Tây Đức giai đoạn 1972-1976
Đây là đội bóng đầu tiên giành chức vô địch châu Âu rồi vô địch thế giới ngay sau đó. Thành tích này chỉ bị phá vỡ bởi Tây Ban Nha sau hơn 30 năm. Đội hình khi đó của Tây Đức được xây dựng trên bộ khung Bayern Munich gồm thủ thành Sepp Maier, libero và đội trưởng Franz Beckenbauer và cỗ máy làm bàn Gerd Mueller.
Mấu chốt trong lối chơi của Tây Đức là sự hiệu quả và thể lực vượt trội so với đối thủ. Họ thường ra sân với thể trạng tốt nhất và chạy trên khắp mọi vị trí có thể. Berti Vogts, Rainer Bonhof và Paul Breitner có trách nhiệm càn quét trên sân để hai nhà kiến tạo Gunter Netzer cùng Wolfgang Overath có thể điều khiển trận đấu.
Tại Euro 1972, Tây Đức đánh bại Anh 3-1 ngay tại thánh địa Wembley trước khi hạ nốt Bỉ và Liên Xô trên con đường tới chức vô địch. Sau đó hai năm, họ khiến Hà Lan với lối đá tổng lực nổi tiếng phải ôm hận trong trận chung kết World Cup 1974. Đáng tiếc ở Euro 1976, cú đá luân lưu nổi tiếng của Panenka đã khiến Đức phải chấp nhận nhường ngôi vô địch châu Âu cho Tiệp Khắc, kết thúc chu kỳ thành công của mình.
Có thể nói, Tây Đức giai đoạn này là đội bóng gần như hoàn hảo trong số các đội tuyển mạnh nhất. Họ có một dàn cầu thủ đẳng cấp từ vị trí thủ môn, trung vệ, tiền vệ sáng tạo cho tới tiền đạo. Và đội tuyển Tây Đức cũng tự hào khi đánh bại đối thủ truyền kiếp Hà Lan với lối đá tổng lực của Johan Cruyff và Neeskens, đội bóng vĩ đại nhất chưa bao giờ vô địch World Cup.
Pháp giai đoạn 1998-2000
Với hai chức vô địch World Cup 1998 và Euro 2000, "gà trống Gaulois" xứng đáng lọt vào danh sách các đội tuyển mạnh nhất mọi thời đại. Pháp trong giai đoạn này nổi tiếng với những hậu vệ xuất sắc như Lilian Thuram, Marcel Desailly, Lauren Blanc, Bixente Lizarazu cùng hai tiền vệ trung tâm huyền thoại Zinedine Zidane và Didier Deschamps. Họ đã đi đến chức vô địch năm 1998 mà không có bất cứ ngôi sao nào trên hàng tiền đạo. Phải hai năm sau đó Trezeguet và Henry mới tỏa sáng thực sự để giúp đội bóng áo lam lên ngôi ở châu Âu.
Giai đoạn cuối những năm 1990 và đầu 2000 là khoảng thời gian bóng đá thế giới được chứng kiến nhiều cầu thủ xuất chúng. Ronaldo của Brazil, Italy với Maldini, Egar Davids từ Hà Lan, Bồ Đào Nha tự hào với Figo. Và trong số này không thể không nhắc tới Zidane, người hùng trong những trận đánh lớn của Pháp. Anh chính là người ghi hai bàn trong trận chung kết World Cup 1998 và lập công giúp Pháp loại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ở Euro 2000.
Đội bóng của Aime Jacquet và sau đó là Roger Lemerre dường như sở hữu vầng hào quang khiến đối thủ của họ phải run sợ ngay trước khi bước vào trận đấu. Điều tương tự có thể thấy ở Tây Ban Nha ở Euro 2012. Pháp còn có sự mạnh mẽ về ý chí hiếm thấy khi họ sở hữu tới ba bàn thắng vàng trước các đội Paraguay, Bồ Đào Nha và Italy.
Pháp là đội bóng sở hữu hàng phòng ngự vững chắc nhất cùng với những ngôi sao xuất chúng nhưng điểm yếu của họ cũng chính là quá phụ thuộc vào các cá nhân mà sự đi xuống kể từ khi Zidane giải nghệ đã cho thấy điều đó.
Tây Ban Nha giai đoạn từ 2008 đến nay
Chỉ cần nhìn vào những gì mà đội bóng áo đỏ làm được trong thời gian qua có thể thấy vì sao họ được đánh giá là một trong những đội bóng mạnh nhất lịch sử.
Tây Ban Nha là đội bóng đầu tiên vô địch ba giải đấu lớn liên tiếp. Họ trải qua 12 trận tại hai kỳ Euro mà chưa từng thua cuộc. Lần gần nhất mà họ để thua ở đấu trường này là vào tháng 6/2004 trước người hàng xóm Bồ Đào Nha. Tỷ số 4-0 mà đoàn quân của Del Bosque thiết lập trong trận chung kết với Italy đêm qua là trận thắng chênh lệch nhất trong lịch sử các trận chung kết World Cup và Euro. Iker Casillas, người đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ đầu tiên có 100 trận thắng trong màu áo đội tuyển quốc gia, đã không phải vào lưới nhặt bóng trong tất cả các trận đấu loại trực tiếp 3 giải gần nhất.
Bóng đá là môn thể thao của tập thể và xét trên khía cạnh này thì Tây Ban Nha xứng đáng với danh hiệu đội bóng vĩ đại nhất lịch sử. Mỗi cầu thủ của họ đều là những mắt xích trong hệ thống "tiki taka", lối chơi luôn đề cao việc cầm bóng và không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân.
Tất cả các cầu thủ có mặt trong đội hình của Tây Ban Nha lúc này đều là những ngôi sao hàng đầu thế giới. Nhưng đáng chú ý nhất là ba người gồm Xavi, nhà kiến tạo và là trái tim của lối chơi; Iniesta, một cầu thủ chuẩn mực ở vị trí tiền vệ tấn công; cuối cùng là người gác đền vững chắc Casillas. Đặc biệt, trong thế hệ hiện tại của Tây Ban Nha thì hàng tiền vệ là nơi đội bóng này tự hào nhất khi liên tục sản sinh ra những cầu thủ xuất sắc. Họ đã lên ngôi ở Euro năm nay với lối chơi không có tiền đạo mà hầu như chỉ sử dụng các tiền vệ để ghi bàn.
Tuy nhiên, điều khiến Tây Ban Nha không được đánh giá cao chính là vì họ xuất sắc ở thời điểm hiện tại. Sự thật mà nói thì đây chính là thời điểm bóng đá thế giới không có những đội bóng quá mạnh và đủ tầm để cạnh tranh với Tây Ban Nha. Những đội bóng truyền thống ở châu Âu như Italy, Pháp, Anh đều đang khủng hoảng. Brazil và Argentina thiếu đi những thủ lĩnh đích thực và chất lượng cầu thủ đang đi xuống. Chỉ còn duy nhất Đức là có thể phần nào đối chọi lại được nhà đương kim vô địch nhưng những gì mà họ cho thấy ở tuần qua thì có lẽ ngày "cỗ xe tăng" lật đổ được binh đoàn đỏ hãy còn rất xa.
Ngọc Hải