Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha ngày 24/12 thông báo nước này quyết định từ chối trở thành thành viên của liên minh do Mỹ khởi xưởng. Dù không đưa ra lý do, báo chí Tây Ban Nha đưa tin quyết định trên bắt nguồn từ những cân nhắc chính trị trong nước.
Thủ tướng Pedro Sanchez đang trong quá trình thành lập liên minh cầm quyền và cần ủng hộ từ đảng cánh tả cực đoan Sumar, vốn phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ.
Lực lượng Houthi ở Yemen sau đó đã ra tuyên bố hoan nghênh lập trường của Tây Ban Nha, nói rằng họ đánh giá cao việc Madrid "không bị lôi kéo bởi những lời nói dối về vấn đề hàng hải" từ Washington và London.
Houthi đã thực hiện một số cuộc tấn công nhằm vào tàu bè trên Biển Đỏ nhằm hỗ trợ Hamas trong cuộc xung đột với Israel.
Mỹ ngày 18/12 thông báo lập liên minh 10 nước, tên gọi Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng (OPG), để ứng phó các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng ở Biển Đỏ. Các thành viên ban đầu do Washington thông báo gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.
Số nước tham gia sau đó tăng lên 20, nhưng ít nhất 8 nước không muốn tiết lộ thông tin. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, thiếu tướng Pat Ryder, các lực lượng thuộc liên minh sẽ "làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đỏ và Vịnh Aden nhằm phản ứng và hỗ trợ khi cần thiết các tàu hàng đi qua tuyến vận tải đường thủy quan trọng này".
Chính phủ Tây Ban Nha đầu tuần trước đã bày tỏ không hài lòng khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa nước này vào danh sách 10 nước sẽ tham gia OPG mà không thông báo trước.
Người phát ngôn chính phủ Tây Ban Nha Pilar Alegria tuyên bố Madrid sẽ không tham gia "đơn phương" vào liên minh, mặc dù Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha nói rằng họ có thể làm như vậy "trong khuôn khổ NATO hoặc Liên minh châu Âu (EU)".
Vấn đề dường như đã được giải quyết vào ngày hôm sau khi tại một cuộc họp bất thường của Ủy ban Chính trị và An ninh châu Âu (CPS), đại diện các nước đã đồng ý rằng EU sẽ tham gia giám sát Biển Đỏ thông qua Chiến dịch Atalanta, ra đời từ năm 2008 nhằm chống cướp biển ở Ấn Độ Dương. Cao ủy EU Josep Borrell đã công bố quyết định này và tuyên bố châu Âu sẽ tăng cường trao đổi thông tin với Mỹ, đồng thời tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đỏ bằng các nguồn lực bổ sung.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha sau đó lại phủ quyết việc thay đổi nhiệm vụ của Chiến dịch Atalanta sang bao gồm cả việc bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đỏ, theo tờ El Confidencial. Quyết định trên đã gây bất ngờ trong giới ngoại giao vì chính phủ Tây Ban Nha không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho việc phủ quyết.
Vũ Hoàng (Theo AFP)