Và James muốn tạo ra các hình ảnh hài hước về sự việc bằng cách đăng lên mạng bức ảnh một du khách ngồi trên con đường đông đúc với cốc đựng tiền lẻ cùng tấm biển xin tiền. "Thiên nhiên đang được chữa lành (đại dịch dần qua). Những người ăn xin đã trở lại", James chú thích bức ảnh. Trang web James đăng ảnh mỉa mai nhiều vấn đề. Nhưng anh nhận ra chủ đề có tương tác tốt thường là nói về các khách Tây balo xin tiền.
Begpacker (Tây ăn xin), ghép từ begging (ăn xin) và backpacking (du lịch bụi), chỉ những khách đến từ phương Tây đi theo hình thức du lịch bụi, xin tiền người dân địa phương để có kinh phí đi du lịch. Thái Lan, Ấn Độ, Indoneisa là mảnh đất màu mỡ của các du khách ăn xin tại châu Á.
Joshua Bernstein, giảng viên Viện Ngôn ngữ tại Đại học Thamassat Thái Lan từng quan sát begpacker ở Bangkok. Họ không giàu, ở nhà trọ rẻ tiền khoảng vài USD một đêm, ăn thức ăn đường phố thay vì vào quán được xếp hạng sao Michelin.
Stephen Pratt, trưởng khoa quản lý khách sạn Đại học Rosen College thuộc Đại học Central Florida, Mỹ từng thực hiện nghiên cứu về begpacker khi đang học cao học ở Hong Kong cùng nhóm bạn. Anh đóng giả làm một du khách phương tây đi xin tiền.
Nghiên cứu thu được kết quả. Nhóm Pratt nhận ra khách du lịch ăn xin về cơ bản chia thành ba loại: hát rong (hoặc chơi nhạc cụ, biểu diễn thứ gì đó), bán đồ (trang sức, lưu niệm) và chỉ ngồi đợi người khác cho tiền.
Theo CNN, không xác định được chính xác các begpacker xuất hiện từ bao giờ nhưng hiện nay không nhận được nhiều thiện cảm. Nhiều người cho rằng du khách nên có tiền để trang trải chuyến đi rồi hãy nghĩ đến chuyện du lịch. Pratt cho rằng quan điểm trên sẽ dấy lên tranh cãi: phải chăng chỉ những người có điều kiện mới được đi du lịch quốc tế. "Du khách đang phải chịu nhiều trách nhiệm hơn trước đây", anh nói.
Will Hatton, người sáng lập website tư vấn du lịch tiết kiệm Broke Backpacker, bác bỏ quan điểm tiêu cực khi nói về begpacker. Anh không tán thành những người ngồi ăn xin bên lề đường nhưng cho rằng những người chơi nhạc hay bán đồ để kiếm tiền đi du lịch thực sự dũng cảm, dám khám phá cuộc sống theo một cách khác.
Hatton cho rằng việc khách Tây ba lô xin tiền bị bài xích vì họ đến từ các quốc gia gia giàu có. Còn James cho rằng việc không thích khách ăn xin đến từ một lý do duy nhất: begpacker cho rằng được quyền làm thế.
Hong Kong là nơi đắt đỏ. Giá thuê nhà cao đến nỗi nhiều người dân địa phương phải ở trong những căn phòng con nhộng. "Người dân thậm chí không đủ khả năng để sống ở Hong Kong. Tại sao bạn lại đến một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới rồi yêu cầu chúng tôi mua một chiếc vòng?", James nói. Anh cũng nói thêm du lịch là một điều xa xỉ. Những người nói "hãy cho tôi tiền để đi du lịch" thật ngớ ngẩn.
Châu Á mở cửa trở lại sau dịch chậm hơn so với châu Âu và Bắc Mỹ. Chưa rõ những vị khách ăn xin này có bắt đầu quay lại hay thời đại của họ đã kết thúc. Những bức ảnh chụp khách Tây balo ăn xin dần xuất hiện trở lại trên mạng ở Malaysia, Indonesia hay Hong Kong.
Nhưng giáo sư Bernstein cho rằng mọi người đang dần chuyển từ xin tiền trực tiếp sang trực tuyến như thành lập quỹ kêu gọi mọi người đóng góp. Hình thức nhận tiền cũng thay đổi. Thay vì phụ thuộc vào lòng tốt của người lạ, một số khách du lịch chuyển sang làm những người sáng tạo nội dung số. Dựa vào số lượt theo dõi trực tuyến, họ sẽ nhờ người hâm mộ hỗ trợ tài chính cho mình.
Anh Minh (Theo CNN)