Chiều 7/2, sau hai ngày xét xử, TAND TP HCM quyết định tạm dừng phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường gần 42 tỷ đồng.
Động thái này được đưa ra do HĐXX cho rằng cần thu thập, bổ sung nhiều chứng cứ quan trọng trước khi đưa ra phán quyết về vụ kiện.
Phiên xử hôm nay có rất đông tài xế Vinasun dự khán nên toà phải chuyển sang phòng rộng nhất, có màn hình bên ngoài.
GrabTaxi 'cung cấp dịch vụ phần mềm hay hoạt động vận tải'
Trước đó, sau khi nghe hai bên trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích của mình tại phần tranh luận, HĐXX quay lại xét hỏi bổ sung.
Trả lời toà, đại diện Công ty GrabTaxi Việt Nam cho biết không thay đổi ngành nghề kinh doanh như đã đăng ký với các cơ quan chức năng là "cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải" và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi.
Theo chủ tọa, phía nguyên đơn cho rằng bị đơn có hợp đồng với các hợp tác xã vận tải (tài xế) và yêu cầu phía Grab cung cấp danh sách đối tác. Tuy nhiên phía Grab chưa có danh sách hợp tác xã vận tải, sẽ cung cấp danh sách và hợp đồng mẫu sau.
Liên quan mức giá Grab áp cho khách hàng, đại diện đơn vị này cho biết, con số do hợp tác xã đưa ra. Căn cứ để thường xuyên thay đổi mức giá là phụ thuộc vào thời gian, thời tiết, nhu cầu thị trường và lập trình dựa trên đơn giá do hợp tác xã cung cấp.
"Toà muốn làm rõ Grab chỉ cung cấp phần mềm kết nối giữa hợp tác xã và khách hàng hay kinh doanh vận tải như Vinasun kiện, để đánh giá vụ án một cách toàn diện, đầy đủ, khách quan", chủ tọa nói và tiếp tục đặt câu hỏi với đại diện Grab về phương thức thu tiền từ khách hàng.
Hãng taxi công nghệ cho biết thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán qua tài khoản. Khách hàng trả cho lái xe còn lái xe trả cho hợp tác xã như thế nào thì tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên.
Về việc Grab báo cáo Bộ Tài chính lỗ 938 tỷ đồng và tiền ở đâu bù đắp vào khoản lỗ này, đại diện Grab nói "không biết lỗ bao nhiêu".
Vinasun nói Grab là doanh nghiệp kinh doanh taxi
Trình bày quan điểm bảo vệ Taxi Vinasun, luật sư Nguyễn Hải Vân cho rằng, Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quyết định 24 (ngày 7/1/2016) về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.
Dù Grab tự nhận là công ty công nghệ, không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng về cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động Grab taxi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. Grab còn thực hiện nhiều hành vi vi phạm về cạnh tranh gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh thu, lợi nhuận của Vinasun.
Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là hơn 41 tỷ đồng. Do đó, Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường số tiền này, việc bồi thường phải thực hiện một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực.
Luật sư cũng đưa ra nhiều căn cứ pháp lý cho thấy Grab là doanh nghiệp kinh doanh taxi, điều này thể hiện ở một số văn bản của Bộ Công thương gửi Văn phòng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT.
Trên thực tế, GrabTaxi không chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối như đã giải trình với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Mà Grab đã trực tiếp kinh doanh, điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá bán, điều chỉnh tăng giảm giá bán.
Ngoài ra, đơn vị này còn tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng như: GrabCar; GrabTaxi; Grab Share; thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến nhằm chiêu mộ, thu hút lái xe; xử phạt các tài xế có hành vi vi phạm quy chế do Grab đặt ra; kết nối với một số ngân hàng để giúp lái xe vay tới hơn 90% giá trị xe.
Đối với khách hàng, khi đặt xe và sử dụng dịch vụ phải thanh toán bằng cách chuyển thẳng từ tài khoản của khách hàng vào tài khoản của Grab (nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng). "Việc thanh toán này khẳng định khách hàng đã thanh toán cho dịch vụ vận chuyển, chứ không phải thanh toán cho việc thuê phần mềm dịch vụ", luật sư của Vinasun nói.
Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải dừng thí điểm Đề án 24.
Cùng quan điểm với đồng nghiệp, luật sư Nguyễn Văn Đức (bảo vệ Vinasun) cho rằng, Grab đã cung cấp bảo hiểm tai nạn dân sự tự nguyện cho đối tác lái xe và hành khách khi sử dụng Grab Car với mức bồi thường lên đến 100 triệu đồng cho mỗi người hoặc 800 triệu đồng cho mỗi tai nạn.
"Việc Grab mua bảo hiểm dân sự tự nguyện cho lái xe và khách đi xe đã khẳng định Grab là ông chủ của lái xe và là đối tác giao kết hợp đồng với khách hàng", luật sư Đức nói và đánh giá "quan điểm của Grab là ngụy biện, đánh tráo khái niệm để lách luật, trốn thuế".
Ông này cho biết thêm, trong bản tường trình gửi TAND TP HCM, Grab nói đã chấp hành đúng quy định của Đề án 24. Tuy nhiên, trên thực tế hãng taxi công nghệ này đã triển khai dịch vụ ngoài các địa phương cho phép thí điểm theo đề án này như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Ngoài ra, Grab còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế. Theo số liệu của Tổng Cục Thuế, trong kỳ kinh doanh 2014-2016, Grab nộp cho nhà nước 9,5 tỷ đồng (bằng 1/130 thuế Vinasun nộp trong cùng thời gian). Bộ Tài chính cũng nhận định, Grab có dấu hiệu rủi ro thuế cao, buộc đưa vào diện kiểm soát thuế trọng điểm.
Theo phía Vinasun, hoạt động của Grab đã phá vỡ quy hoạch về giao thông đô thị, gây thiệt hại không chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi mà còn xâm hại đến lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội. Do đó, nguyên đơn đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của mình và kiến nghị Bộ GTVT dừng ngay việc thí điểm Đề án 24.
'Nếu Grab gây thiệt hại, Vinasun nên khiếu nại Bộ trưởng GTVT'
Tranh luận lại quan điểm của nguyên đơn, luật sư Lưu Tiến Dũng (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Grab) cho rằng, đây là vụ kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do đó, để yêu cầu bồi thường thiệt hại, VinaSun phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện "Grab có hành vi vi phạm pháp luật", Vinasun có thiệt hại thực tế, và mối quan hệ nhân quả giữa hai vấn đề này.
Đối với cáo buộc Grab vi phạm, thực hiện không đúng Đề án 24 thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải, ông Dũng cho rằng "việc này thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT" và đến nay đơn vị chưa từng bị xử lý bất kỳ hành vi nào. Nếu GrabTaxi gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của Vinasun thì đơn vị này phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng GTVT hoặc khiếu kiện hành chính "chứ tòa không có thẩm quyền".
Còn quan điểm cho rằng Grab vi phạm pháp luật về cạnh tranh, khuyến mãi tràn lan… luật sư nói: "Việc xem xét thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Công thương. Trong khi Vinasun chưa cung cấp được bất kỳ quyết định xử phạt nào của các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi này đối với Grab".
Về việc Vinasun yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế gần 42 tỷ đồng, phía Grab cho rằng chứng cứ này nguyên đơn dựa trên báo cáo nghiên cứu thị trường chưa được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận, nên không thể coi là căn cứ để xác định thiệt hại.
Từ đó, luật sư đề nghị tòa bác yêu cầu của nguyên đơn, đình chỉ giải quyết vụ án.
Hải Duyên