Nghiên cứu do dịch vụ cứu hộ trên không ADAC Luftrettung tiến hành dưới sự tài trợ của tổ chức phi lợi nhuận ADAC Foundation. Mục đích của họ xác định liệu hoạt động cấp cứu có thể cải thiện nếu sử dụng trực thăng nhiều cánh quạt để vận chuyển nhanh bác sĩ tới nơi có người gặp nạn hay không.
Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Y học cấp cứu và Quản lý y tế thuộc Đại học Ludwig Maximilian ở Munich sử dụng dữ liệu lịch sử từ Trung tâm Điều phối Cứu hộ để tạo ra những mô phỏng trên máy tính của 26.000 ca cấp cứu sử dụng trực thăng nhiều cánh quạt ở các khu vực tại Bavaria và Rhineland-Palatinate. Họ kết luận eVTOL trong công tác cấp cứu trên không mang lại những cải thiện đáng kể trong việc chăm sóc bệnh nhân với bán kính 25 - 30 km, sử dụng những trực thăng nhiều cánh có tầm hoạt động tối thiểu 150 km và tốc độ tối đa 100 - 150 km/h.
Được sử dụng như tham chiếu kỹ thuật cho nghiên cứu, mẫu taxi bay VoloCity có tầm hoạt động mỗi lần sạc là 35 km và tốc độ tối đa 110 km/h. Phiên bản có người lái cần tối ưu hóa về trọng lượng để có thể vận chuyển an toàn cả bác sĩ cấp cứu và trang thiết bị chuyên dụng nếu cần.
Các nhà nghiên cứu tính toán eVTOL có thể tới nơi cần cấp cứu nhanh gấp đôi phương tiện trên mặt đất, và phục vụ số lượng bệnh nhân nhiều gấp 2 - 3 lần. Dù được thiết kế để hoạt động cùng các máy bay cấp cứu trên không hiện nay, trực thăng điện nhiều cánh có thể nâng cao hiệu quả của dịch vụ này trong tương lai.
Hiện nay, Volocopter đang lên kế hoạch thực hiện các chuyến bay thử nghiệm kỹ thuật để kiểm tra VoloCity xử lý như thế nào khi cất hạ cánh trên sườn dốc, vận hành khi tầm nhìn kém hoặc ban đêm, và bay trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
An Khang (Theo New Atlas)