Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc đánh giá nhiệm vụ tối mật lần này hoàn toàn thành công, đánh dấu đột phá quan trọng trong nghiên cứu công nghệ, theo South China Morning Post. Tàu vũ trụ tái sử dụng sẽ cung cấp phương pháp thuận tiện và tiết kiệm chi phí hơn để tiếp cận không gian vì mục đích hòa bình.
Giới chức Trung Quốc không công bố ảnh chụp hoặc dữ liệu kỹ thuật về mẫu tàu từng trải qua hai ngày trên quỹ đạo trong nhiệm vụ đầu tiên vào tháng 9/2020. Một số chuyên gia nghi ngờ tàu vũ trụ của Trung Quốc có thể sở hữu thiết bị cảm biến và chụp ảnh cao cấp để thu thập dữ liệu về những mục tiêu tiềm năng hoặc theo dõi khu vực nhạy cảm. Một cách sử dụng tiềm năng khác là triển khai vệ tinh nhỏ hoặc hàng hóa khác vào quỹ đạo, bao gồm vệ tinh liên lạc, hệ thống định vị hoặc loại cảm biến có thể dùng cho mục đích quân sự hoặc chính phủ.
Dựa trên tải trọng của tên lửa Trường Chinh 2F phóng tàu vũ trụ tái sử dụng, giới chuyên gia cho biết nhiều khả năng phương tiện có kích thước và thiết kế tương tự máy bay Boeing X-37B của Không quân Mỹ. Năm ngoái, X-37B lập kỷ lục ở 908 ngày trên quỹ đạo trong chuyến bay thứ năm từ khi ra mắt năm 2010. Dài 9 m và cao 3 m, X-37B có khối lượng khoảng 5.000 kg và được thiết kế để nằm vừa bên trong mũi hình nón của tên lửa tiêu chuẩn.
Mẫu tàu của Mỹ có hình dáng đặc trưng với phần thân hình nêm dẹt và sải cánh 4,6 m với phần đầu cánh nhọn, tạo thành hình dáng hơi giống boomerang. Phần cánh nghiêng 45 độ và hướng về phía đuôi tàu vũ trụ. Thiết kế nhỏ gọn và thuôn dài này cho phép X-37B hoạt động hiệu quả trong vũ trụ mà vẫn đặt vừa bên trong khoang hàng của các phương tiện phóng hiện nay.
Trung Quốc và Mỹ đang trong cuộc đua phát triển tàu vũ trụ tái sử dụng không người lái nhỏ hơn từ năm 2011 khi chương trình tàu con thoi kết thúc vì một loạt lý do, bao gồm chi phí cao và lo ngại về an toàn. Tàu vũ trụ không người lái rẻ và hiệu quả hơn về mặt thiết kế và vận hành, không cần hệ thống hỗ trợ sự sống hoặc những tiện nghi khác. Kích thước nhỏ cũng cho phép chúng phóng bằng tên lửa bé hơn, có giá thành rẻ hơn so với phương tiện phóng lớn dùng cho tàu con thoi.
Tàu vũ trụ tái sử dụng có thể dùng lại nhiều lần, giúp du hành không gian ở chi phí thấp hơn, khác với phần lớn tàu vũ trụ hiện nay vốn được thiết kế để dùng một lần và vứt bỏ sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Phương tiện có khả năng cung cấp lợi thế chiến lược ở các lĩnh vực như do thám quân sự, triển khai vệ tinh và chương trình vũ khí không gian.
Có nhiều thách thức trong phát triển tàu vũ trụ tái sử dụng, bao gồm tạo ra tấm chắn nhiệt cao cấp để bảo vệ phương tiện trong quá trình hồi quyển, hệ thống hạ cánh vững chắc và đáng tin cậy, hệ thống đẩy hiệu quả. Thời gian ở lâu trên quỹ đạo có thể tăng thêm độ phức tạp như duy trì nguồn cung cấp năng lượng cho tàu, đòi hỏi tấm pin quang năng hoặc hệ thống sản xuất khác có thể vận hành tốt trong không gian. Tàu vũ trụ phải chịu được biến động nhiệt độ cực hạn khi di chuyển giữa bóng tối và ánh sáng Mặt Trời. Tiếp xúc thời gian dài với bức xạ cũng có thể phá hủy thiết bị điện tử rất nhạy trên tàu.
Duy trì tàu vũ trụ ở quỹ đạo thấp của Trái Đất trong thời gian kéo dài cũng đòi hỏi kiểm soát chính xác đường bay và hướng của phương tiện, những yếu tố có thể bị ảnh hưởng bởi lực cản khí quyển, lực hấp dẫn từ thiên thể khác và nhiều yếu tố như gió mặt trời. Các kỹ sư phải thiết kế hệ thống đẩy của tàu vũ trụ cẩn thận để đảm bảo nó có thể thực hiện những điều chỉnh nhỏ về đường bay nhằm giữ quỹ đạo ổn định hoặc tiếp cận mục tiêu, tùy theo nhiệm vụ.
An Khang (Theo SCMP)