Tàu vũ trụ Gaia quay quanh Trái Đất ở độ cao khoảng 1,5 triệu km tại Điểm Lagrange L2, nơi lực hấp dẫn kết hợp giữa Trái Đất và Mặt Trời tạo ra một quỹ đạo ổn định. Mục tiêu của con tàu là lập bản đồ 3D từng ngôi sao trong dải Ngân Hà.
Nhưng vào tháng 4, một thiên thạch nhỏ hơn hạt cát đâm vào Gaia và làm hỏng tấm chắn bảo vệ xung quanh bộ thiết bị của tàu. Sau đó, ánh sáng Mặt Trời lọt qua vết nứt nhỏ này đã cản trở các cảm biến hoạt động. Đến tháng 5, trục trặc xảy ra với một phần của hệ thống giúp Gaia xác thực những ngôi sao mới phát hiện, dẫn đến hàng nghìn phát hiện sai. Theo ESA, trục trặc thứ hai này có thể bắt nguồn từ cơn bão Mặt Trời từng khiến cực quang lan rộng trên bầu trời thế giới hồi tháng 5.
"Gaia thường truyền hơn 25 gigabyte dữ liệu về Trái Đất mỗi ngày, nhưng dữ liệu sẽ cồng kềnh hơn rất nhiều nếu phần mềm trên tàu không loại bỏ trước những phát hiện sao sai. Cả hai sự cố gần đây đều làm gián đoạn quá trình này. Kết quả là con tàu bắt đầu tạo ra một lượng lớn phát hiện sai khiến hệ thống của chúng tôi quá tải", Edmund Serpell, kỹ sư vận hành tàu Gaia tại Trung tâm Điều hành Vũ trụ châu Âu, cho biết hôm 17/7.
Dù nhóm phụ trách Gaia không thể làm gì nhiều với phần cứng, họ đã sửa chữa phần mềm để con tàu tiếp tục hoạt động. Cụ thể, họ thay đổi ngưỡng mà Gaia xếp loại một vật thể là ngôi sao.
Gaia phóng lên không gian năm 2013, ban đầu được thiết kế để hoạt động 6 năm nhưng đến nay đã tồn tại hơn một thập kỷ. Con tàu dự kiến tiếp tục thu thập dữ liệu đến cuối năm 2025, khi hệ thống đẩy cạn kiệt nhiên liệu.
Gaia từng giúp các nhà thiên văn phát hiện những ngôi sao cổ xưa nhất trong dải Ngân Hà, hình thành cách đây hơn 12,5 tỷ năm. Con tàu cũng phát hiện những "bạn đồng hành" mờ nhạt của các ngôi sao lớn và một hệ sao đôi, trong đó đĩa của ngôi sao này che khuất ngôi sao kia. Dữ liệu từ Gaia thậm chí giúp giới khoa học ước tính thời điểm dải Ngân Hà va chạm và hợp nhất với thiên hà "hàng xóm" Andromeda - khoảng 4,5 tỷ năm nữa.
Thu Thảo (Theo Live Science)