"Có một tiếng động lạ phát ra từ loa. Tôi không biết điều gì tạo ra nó", Wilmore nói với trạm điều khiển nhiệm vụ ở Trung tâm Vũ trụ Johnson, Houston, Mỹ. Wilmore sau đó đưa micro đến gần loa của Starliner, tàu vũ trụ của Boeing đang ghép nối với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), để trạm điều khiển có thể nghe thấy tiếng đập phát ra theo từng đợt đều đặn. Trạm điều khiển ví âm thanh này gần giống như tiếng ping của sonar (hệ thống định vị thủy âm).
Đến ngày 2/9, NASA giải thích rằng tiếng động lạ bắt nguồn từ một vòng phản hồi loa giữa trạm ISS và con tàu. "Tiếng đập từ loa trong tàu vũ trụ Starliner của Boeing mà phi hành gia NASA Butch Wilmore trên trạm ISS nghe thấy hiện đã dừng lại. Sự phản hồi từ loa này là kết quả của cấu hình âm thanh giữa trạm vũ trụ và Starliner", NASA cho biết.
Theo NASA, do hệ thống âm thanh phức tạp trên ISS, nơi nhiều tàu vũ trụ và module ghép nối với nhau, việc nghe thấy tiếng ồn và phản hồi không phải bất thường. Nếu phi hành đoàn nghe thấy âm thanh từ hệ thống liên lạc, họ cần liên hệ với trạm điều khiển nhiệm vụ.
"Phản hồi loa mà Wilmore báo cáo không gây ra bất cứ ảnh hưởng kỹ thuật nào đến phi hành đoàn, tàu Starliner hay hoạt động của trạm ISS, bao gồm cả việc tàu Starliner rỗng (không chở người) sẽ tách khỏi trạm sớm nhất vào ngày 6/9", NASA cho biết thêm.
Starliner phóng vào ngày 5/6, đánh dấu nhiệm vụ chở người đầu tiên của con tàu, đưa hai phi hành gia NASA Suni Williams và Butch Wilmore đến trạm ISS. Tàu ghép nối thành công với trạm vào ngày 6/6. Dù nhiệm vụ ban đầu dự kiến chỉ kéo dài hơn một tuần, Williams và Wilmore phải ở lại trạm nhiều tháng để NASA và Boeing điều tra sự cố về động cơ đẩy của tàu Starliner.
Sau khi cân nhắc, NASA xác định rằng việc đưa bộ đôi phi hành gia trở về bằng Starliner quá rủi ro. Cơ quan này thông báo, họ sẽ trở về Trái Đất bằng phương tiện khác - tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX vào tháng 2/2025. Trong khi đó, tàu Starliner rỗng sẽ trở về Trái Đất, dự kiến sớm nhất vào ngày 6/9, hạ cánh xuống Cảng Vũ trụ White Sands, bang New Mexico.
Thu Thảo (Theo Space)